Báo Công An Đà Nẵng

Vì sao Dawaco từ chối vốn ODA?

Thứ năm, 09/02/2017 10:34

(Cadn.com.vn) - Trước thách thức thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt cho toàn thành phố, Cty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã đề xuất UBND TP Đà Nẵng được dùng nội lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên thay vì vay vốn nước ngoài với nhiều ràng buộc dẫn tới mức đầu tư lớn, thời gian kéo dài và giá nước mà người dân phải mua sẽ ở mức cao.

NHU CẦU NƯỚC SINH HOẠT TĂNG CAO

Theo ông Hồ Hương – Tổng Giám đốc Dawaco, hiện nay tổng công suất thiết kế các nhà máy nước trên địa bàn thành phố là 210.000m³/ngày đêm, nhưng vào những ngày cao điểm, hệ thống phải hoạt động quá tải đến công suất 260.000m3/ngày đêm, vượt công suất thiết kế 15 – 20%. Trong những năm qua, tính trung bình nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng khoảng 7%/năm. Thời gian tới, việc cấp nước sẽ gặp nhiều khó khăn do nhu cầu dùng nước tăng cao trong khi nguồn cấp nước từ các nhà máy không đủ đáp ứng. Theo quy hoạch cấp nước, lượng nước cần sử dụng vào năm 2020 khoảng 400.000 m3/ngày đêm, năm 2025 khoảng 660.000 m3/ngày đêm, năm 2030 khoảng 725.000 m3/ngày đêm.

“Ngay trong thời điểm hiện tại, lượng nước vẫn thiếu gần 60 nghìn khối/ngày đêm.  Chi nhánh cấp nước Sơn Trà và Liên Chiều chỉ cung cấp nước cho một vùng nhỏ, lại chủ yếu chỉ vận hành hiệu quả trong mùa mưa. Nguồn nước sinh hoạt cho toàn thành phố phụ thuộc vào Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay trong khi theo dự báo, trong 3 năm tới nhu cầu sử dụng nước tăng cấp đôi so với công suất hiện tại”, ông Hương tính toán.

Trong bối cảnh nhu cầu nước sinh hoạt tăng nhanh, Dự án Nhà máy nước Hòa Liên do phía Nhật Bản đề xuất thực hiện theo hình thức PPP từ năm 2013 đến nay vẫn chưa thể triển khai do nhiều thủ tục của cả 2 phía. Theo kế hoạch do tư vấn Nhật Bản lập, nhà máy nước Hòa Liên chỉ có thể đưa vào vận hành sớm nhất vào khoảng đầu năm 2022, chậm hơn dự án Mở rộng mạng lưới của ADB tài trợ gần 2 năm. Nghĩa là trong khi đường ống, cơ sở hạ tầng từ phía sau nhà máy đã khớp nối, dẫn về các khu dân cư thì nhà máy vẫn chưa xây dựng xong!

TỰ CHỦ

Được biết, hiện nay thành phố Đà Nẵng đang xem xét việc sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Nhật Bản để xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên. Tuy nhiên, trong một cuộc làm việc với Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ mới đây, lãnh đạo Dawaco đã đề xuất được dùng nội lực, tự huy động vốn để đầu tư xây dựng. Theo lý giải, đơn vị hiện là Cty cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, chứ không còn thuần túy là Cty Nhà nước như trước đây. Nếu sử dụng vốn nước ngoài thì theo lộ trình, khoảng đến năm 2022 nhà máy mới có thể đi vào hoạt động, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp nước sạch cho thành phố trong những năm tới.

Ông Hồ Hương phân tích, nếu tự huy động nguồn lực đầu tư và sớm bắt tay thực hiện thì khoảng cuối năm 2019 đơn vị sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án và bắt đầu cung cấp thêm 120.000m3/ngày đêm so với hiện tại. Trong khi đó, nếu sử dụng vốn ODA thì sẽ phải trải qua nhiều thủ tục, không những thời gian kéo dài đến năm 2022 mà tổng số vốn xây dựng và vận hành trong 20 năm mà họ tạm tính lên đến khoảng 4.800 tỷ đồng. Nếu tự chủ thì tổng mức đầu tư thấp hơn rất nhiều. “Nếu được thành phố giao cho Dawaco làm, chúng tôi sẽ khởi công Dự án Nhà máy nước Hòa Liên ngay trong quý IV-2017 và đưa vào vận hành trong quý IV-2019 để có đủ nước sạch phục vụ nhân dân với chi phí thấp hơn nhiều khi sử dụng vốn Nhất Bản”, ông Hương khẳng định.

Nhà máy nước Cầu Đỏ cung cấp khoảng 95% nhu cầu nước cho toàn TP Đà Nẵng.

KHÔNG PHỦ NHẬN “CHẤT LƯỢNG NHẬT BẢN”

Về sự ràng buộc trong việc sử dụng vốn tài trợ nước ngoài, một số chuyên gia từng thực hiện các dự án ODA phân tích, thực chất thì vốn viện trợ không hoàn lại chỉ là một phần trong tổng mức đầu tư cho dự án, số còn lại thì các Cty phía Nhật Bản huy động để thực hiện. Khi nhận tài trợ sẽ phụ thuộc gần như mọi thứ, từ tiến độ, giá thành, thiết bị, thi công..., tất cả đều do phía Nhật Bản thực hiện. Tính theo chi phí của Nhật thì tổng số vốn cao dẫn đến giá nước sau này người dân sẽ phải mua ở mức cao, không thể can thiệp.

Khi được hỏi liệu có sự chênh lệch về công nghệ, tuổi thọ, chất lượng nước, giá thành giữa việc sử dụng vốn ODA và tự huy động vốn để xây dựng, lãnh đạo Dawaco khẳng định: “Chất lượng Nhật Bản thì chắc chắn là tốt rồi, không ai phủ nhận điều đó. Nhưng nếu chúng tôi tự thực hiện dự án thì cũng phải tuân thủ mọi quy định về đầu tư, có sự tham gia kiểm soát của các cơ quan chức năng ở tất cả mọi lĩnh vực. Chất lượng nước không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế mà cả của Tổ chức Y tế thế giới. Tài sản của mình thì mình không thể làm ẩu. Còn giá nước đầu ra, chắc chắn người dân sẽ được cung cấp với mức thấp hơn, vì kinh phí đầu tư chúng tôi tính toán thấp hơn nhiều so với phía Nhật Bản”.

Tại buổi làm việc với Cty, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, thành phố đang xem xét việc có sử dụng vốn ODA hay không đối với Dự án Nhà máy nước Hòa Liên. Thành phố cũng đang tính toán, nếu dùng nguồn vốn ODA để xây dựng thì tiến độ sẽ chậm so với nhu cầu của người dân, giá nước chưa xác định cụ thể. Ông Thơ yêu cầu Dawaco nên chủ động tính toán xây dựng các phương án để đề xuất chủ trương đối với dự án này đồng thời khẳng định thành phố sẽ chọn phương án đầu tư hiệu quả nhất, giá thành tốt nhất vì nhu cầu sử dụng nước của người dân trong vài năm tới là hết sức cấp thiết.

Công Khanh