Vì sao Ebola ngày càng nguy hiểm?
(Cadn.com.vn) - Số người nhiễm bệnh và thiệt mạng do Ebola tiếp tục gia tăng chóng mặt. Vì sao, Ebola ngày càng nguy hiểm như thế bất chấp những nỗ lực chống chọi đa quốc gia?
Trong khi Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) sẽ thử nghiệm vaccine điều trị virus Ebola trên người - do Cty dược phẩm GlaxoSmithKline và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) cùng hợp tác phát triển - vào tuần này, nghiên cứu mới đây của Đại học Massachusetts cho thấy, virus Ebola có tốc độ đột biến cực nhanh.
Tất nhiên, điều này đồng nghĩa cuộc chiến chống Ebola sẽ trở nên gay go quyết liệt hơn. Ban đầu, để giải mã hệ gen của các bệnh nhân nhiễm virus Ebola đã có đến 5 nhà khoa học phải đổi giá bằng chính sinh mạng.
Lấy mẫu phẩm bệnh phục vụ cho nghiên cứu về virus Ebola. |
Virus Ebola lan truyền như thế nào?
Nhật phát hiện virus Ebola trong 30 phút Các nhà khoa học Nhật Bản vừa phát triển phương pháp có thể phát hiện virus Ebola trong cơ thể người chỉ trong vòng 30 phút. Theo AFP, đây là phát minh của Giáo sư Jiro Yasuda và các cộng sự thuộc Đại học Nagasaki. Phương pháp mới có ưu điểm là rẻ và rút ngắn thời gian phát hiện virus Ebola xuống chỉ còn 30 phút thay vì mất vài giờ. Theo các nhà nghiên cứu, phương pháp mới đơn giản và có thể được sử dụng tại các quốc gia không có sẵn các thiết bị thử nghiệm. |
Căn bệnh xuất hiện lần đầu năm 1976 ở tại một làng hẻo lánh gần sông Ebola ở Congo. Tuy các chủng EVD có mức độ nguy hiểm khác nhau nhưng tổng thể, tỷ lệ tử vong thường vượt hơn 90%. Gần đây, nhờ nỗ lực của con người và điều kiện sống cải thiện, tỷ lệ tử vong do EVD giảm xuống còn trên dưới 50%.
Tuy nhiên, các nhà khoa học ở Viện Broad Massachusetts và Đại học Harvard Mỹ - vốn vừa thực hiện thành công dự án nghiên cứu hệ gen virus Ebola - phát hiện, loại virus gây bệnh (EVD) có tốc độ đột biến nhanh hơn giả định. Dự án nghiên cứu mẫu vật 78 bệnh nhân được chẩn đoán bệnh trong vòng 24 ngày đầu tiên khi dịch Ebola bùng phát tại Châu Phi. Theo đó, nhóm nghiên cứu phát hiện gần 400 mã đột biến di truyền, quá trình đột biến này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cơ chế đột biến siêu tốc
Sau thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học tìm thấy hơn 300 mã đột biến di truyền, khiến hệ gen của virus Ebola 2014 khác hẳn so với hệ gen của virus gây dịch EVD trước đây. Ngoài ra, giới nghiên cứu còn phát hiện, việc bùng nổ dịch bắt đầu từ biến thể duy nhất mà con người mắc phải, sau đó truyền từ người này sang người khác trong nhiều tháng liền.
Đây cũng là những dữ liệu đầu tiên về hệ gen của virus Ebola được Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ (NCBI), cập nhật trước khi công bố phục vụ cho mục tiêu phòng chống bệnh EVD của nhân loại. Năm 1976, khi xuất hiện lần đầu, dịch Ebola mới chỉ mang tính cục bộ ở những vùng cư dân thưa thớt ở Trung Phi với 318 ca mắc bệnh. Nhưng năm 2014, dịch lan ra nhiều quốc gia đông dân Tây Phi với xuất phát điểm là Guinea vào tháng 3.
Theo giáo sư Pardis Saberri, ở Đại học Harvad, người trực tiếp tham gia nghiên cứu, giống như các loại virus khác, theo thời gian, virus Ebola cũng ngẫu nhiên đột biến, nhưng tốc độ lại rất nhanh nên mối nguy hiểm cũng rất lớn. Sử dụng kỹ thuật "giải mã triệt để" sâu gấp 2.000 lần so với các phép giải mã truyền thống đối với từng gen của virus Ebola nên các nhà khoa học hiểu sâu hơn về hệ gen virus của 78 bệnh nhân mắc bệnh.
Nhờ nghiên cứu hệ gen virus Ebola, họ có phát hiện bất ngờ: tìm ra được 2 chủng virus Ebola khác nhau của 10 phụ nữ tham dự lễ tang của một thầy lang ở Sierra Leone, người từng chữa trị cho các bệnh nhân Ebola tại Guinea. Rất có thể, vị thầy lang này mang trong người tới 2 chủng virus Ebola hoặc những người phụ nữ nói trên vô tình mắc bệnh mà không biết, nhất là khi Ebola phát tán trong lãnh thổ Sierra Leone nên họ mang theo thêm một chủng virus Ebola thứ ba.
Kim Hùng
(Theo CDC/DailyMail)