Báo Công An Đà Nẵng

Vì sao giáo viên hệ cử tuyển không được đi học nâng chuẩn?

Thứ ba, 21/10/2014 11:57

Nguyện vọng chính đáng

(Cadn.com.vn) - Thầy giáo Nguyễn Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiêp, Hội An, Quảng Nam) trình bày: Năm 1968, thầy cùng gia đình từ Hội An ra đảo Cù Lao Chàm định cư. Sau khi học hết phổ thông, thầy được đưa vào làm công chức chính quyền xã đảo.

Đến năm 1983, theo chủ trương đào tạo nguồn giáo viên đáp ứng yêu cầu cho sự nghiệp phát triển giáo dục ở đảo Cù Lao Chàm, lãnh đạo thị xã Hội An (nay là TP Hội An) chọn và động viên thầy đi học ngành sư phạm theo chế độ cử tuyển. Năm 1988, hoàn thành chương trình đào tạo ngành sư phạm Toán - Kỹ thuật tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam - Đà Nẵng thầy trở về đảo công tác cho đến nay.

Vì muốn nâng cao trình độ chuyên môn, năm 2002, thầy Thanh nộp hồ sơ đăng ký học các lớp đào tạo đại học có mở ngành phù hợp với chuyên ngành đã học nhưng không được chấp nhận. Thầy Thanh băn khoăn: "Lý do mà các trường không cho chúng tôi đi học là vì trong hồ sơ nhập học không có bảng điểm các môn học bậc cao đẳng trước đây. Nhiều lần chúng tôi trở lại Trường ĐH Sư phạm - Đại học Đà Nẵng (nguyên là Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam - Đà Nẵng xin cấp lại bảng điểm nhưng cũng không được chấp thuận".

Cũng như trường hợp của thầy giáo Nguyễn Văn Thanh, thầy Nguyễn Xiêm hiện là Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (xã Cẩm Kim, TP  Hội An) bao năm nay vẫn dang dở chuyện học chỉ vì thuộc đối tượng học cử tuyển. Thầy Xiêm cho biết: "Năm 1984, tôi được chính quyền vận động, cử đi học rồi trở về dạy học ở xã đảo Tân Hiệp.

Sau hơn 17 năm công tác ngoài đảo, năm 2004, tôi được điều động về làm hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và từ đầu năm học 2014-2015, được luân chuyển qua giữ chức Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt . Từ khi chuyển vào đất liền công tác, trước yêu cầu công tác, bản thân tự thấy cần phải nâng cao trình độ chuyên môn nên tôi nộp hồ sơ đăng ký nhập học vào các Trường ĐH Quảng Nam nhưng không được chấp nhận vì hồ sơ chỉ có giấy chứng nhận tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam - Đà Nẵng cấp".

Hơn 12 năm thầy Nguyễn Văn Thanh đăng ký đi học đại học nhưng không được vì là giáo viên hệ cử tuyển.

Hy vọng cuối cùng

Trình bày vấn đề này với lãnh đạo và phòng ban chức năng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, PGS.TS Nguyễn Tấn Lê - Trưởng phòng Đào tạo cho hay, hai trường hợp này là đối tượng hệ cử tuyển nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên phục vụ giảng dạy cho vùng hải đảo Cù Lao Chàm - là đối tượng đào tạo theo yêu cầu của địa phương, không dự thi tuyển sinh lấy điểm đầu vào nên sau khi tốt nghiệp chỉ được Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam - Đà Nẵng cấp giấy chứng chỉ tốt nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Tấn Lê cho biết thêm: "Do thời gian quá lâu, nhà trường đã nhiều lần chuyển đổi cơ cấu tổ chức, hồ sơ bàn giao nhiều lần và bộ phận tiền nhiệm đã nghỉ công tác nên hiện nay chúng tôi không tìm được bảng điểm toàn khóa của sinh viên".

Tuy nhiên, căn cứ vào giấy "Chứng chỉ tốt nghiệp" ngành Sư phạm Toán - Kỹ thuật công nghiệp, bậc cao đẳng, hệ chính quy, khóa học 1984-1987 của Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam-Đà Nẵng dự thi tốt nghiệp khóa thi ngày 6-06-1989 và hồ sơ học bạ của thầy Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Xiêm còn lưu giữ, cùng với thông tin còn lưu lại, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã cấp giấy xác nhận tốt nghiệp cho hai thầy.

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Lê thì việc tuyển chọn những đối tượng theo học chế độ cử tuyển là một giải pháp tình thế của Bộ GD&ĐT tại thời điểm đó nhằm giải quyết việc thiếu giáo viên ở các vùng hải đảo. Mặc dù vậy, họ được đào tạo bài bản theo chương trình và thời gian học tập với sinh viên thi tuyển đầu vào và trải qua các kỳ thi kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập khắt khe. Vì vậy, việc các thầy mong muốn được tiếp tục đi học nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ quản lý là nguyện vọng chính đáng cần được các cơ quan tận tâm, tạo điều kiện thuận tiện để các thầy được tiếp tục học tập.

Đại Khải