Báo Công An Đà Nẵng

Vì sao Italia “thất thủ”?

Thứ hai, 23/03/2020 12:01

Từ một quốc gia “nói không” với Covid-19 khi nó bùng nổ ở Vũ Hán, Italia hiện trở thành ổ dịch lớn nhất Châu Âu với số ca tử vong vượt cả Trung Quốc. Thậm chí, virus Corona chủng mới này đã làm tử vong 8,6% số người nhiễm được thống kê tại Italia so với mức trung bình 3,5% toàn cầu.

Nhiều người thật sự bất ngờ và tự hỏi tại sao đất nước Địa Trung Hải giàu có và xinh đẹp lại trở thành tâm dịch đáng sợ như thế này. Không ai có thể đưa ra các câu trả lời chính xác nhưng nhiều chuyên gia liệt kê một loạt các lý do - từ độ tuổi cao (Italia là quốc gia có dân số già thứ 2 trên thế giới) cho đến hệ thống chăm sóc sức khỏe căng như dây đàn cho đến chính sách phòng ngừa sai lầm của nước này.

Dân số già thứ 2 thế giới

Một trong những nguyên nhân đầu tiên mà hầu hết mọi người nhìn vào và các số liệu đều chỉ ra là độ tuổi trung bình của người Italia khi dữ liệu toàn cầu về khả năng gây tử vong của Covid-19 cho thấy người cao tuổi là đối tượng dễ tổn thương hơn nhiều so với người trẻ tuổi. Vâng, Italia là quốc gia có dân số già thứ 2 thế giới và lớn nhất Châu Âu. Độ tuổi trung bình dân số nước này là 45,4 vào năm 2019.

Số liệu công bố cho thấy, độ tuổi trung bình các ca tử vong ở Italia vì Covid-19 trung bình ở 78,5. Và gần 99% trong số họ cũng bị ít nhất một bệnh nền. “Covid-19 đang tác động mạnh đến các nhóm tuổi lớn hơn”, giáo sư Jennifer Dowd của Đại học Oxford lưu ý trên Twitter. Theo ông, các quốc gia có dân số già sẽ cần phải thực hiện các biện pháp bảo vệ tích cực hơn để bảo vệ người già và số ca nhiễm dưới ngưỡng của hệ thống y tế. Tuy nhiên, nhiều người làm phép so sánh với Nhật Bản (quốc gia có độ tuổi trung bình 47,3), chỉ có 35 trường hợp tử vong trong số hàng ngàn người nhiễm bệnh.  Vì vậy, độ tuổi rõ ràng không phải là yếu tố duy nhất.

Tự tin nhưng thiếu nhất quán

Ngay từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc và lan ra bên ngoài, Italia đã có những phương pháp phòng chống dịch nhanh chóng. Italia cũng là một trong những quốc gia đầu tiên ngừng các chuyến bay với Trung Quốc. Thậm chí, trong tuyên bố hồi cuối tháng 1, Thủ tướng Giuseppe Conte tự hào tuyên bố nước này đang áp dụng hệ thống phòng ngừa nghiêm ngặt nhất Châu Âu.

Nhưng thực tế, dịch bệnh đã len lỏi ở miền Bắc Italia trong khoảng giữa tháng 1 và bùng phát vào trong tháng 2 đến nỗi chính phủ không kịp trở tay. Italia ban đầu xét nghiệm cho rất nhiều người dân nhưng sau đó lại cho cách ly vùng tâm dịch Lombardy, và rồi không thể chủ động tìm kiếm và điều trị nhanh người bệnh. Ngoài ra, vào thời gian đầu bùng phát dịch, chính quyền trung ương và các bệnh viện ở phía bắc không thống nhất được quy trình kiểm tra những bệnh nhân bị sốt và có vấn đề hô hấp không rõ nguyên nhân, và liệu những người không có mối liên hệ rõ ràng với Trung Quốc có nên được kiểm tra nhiễm virus hay không. Italia cũng chỉ tập trung vào những người có triệu chứng rõ ràng và có liên hệ với các khu vực có nguy cơ cao, tức là nhiều người mang virus nhưng bị nhẹ hoặc không có triệu chứng không được xét nghiệm.

Hệ thống y tế

Một thực tế nghiệt ngã ở phía bắc bị tàn phá của Italia là các ca bệnh bắt đầu lan nhanh hơn nhiều khi hệ thống chăm sóc sức khỏe đạt đến điểm bão hòa.

Các bác sĩ phải bắt đầu đưa ra quyết định lựa chọn cứu chữa cho bệnh nhân, giữa người trẻ và người già, giữa người có cơ hội nhiều hơn và ít hơn - và tại sao - khi họ hết thiết bị như mặt nạ phòng độc và thậm chí cả giường bệnh. Những bệnh nhân già yếu, bị từ chối chữa trị, là vô cùng dễ gây lây lan nhưng đó thực tế tại nước này.  Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của chính phủ Italia là virus sẽ bắt đầu lan sang miền Nam nghèo hơn và hệ thống y tế yếu hơn.

THANH VĂN