Báo Công An Đà Nẵng

Vì sao người bán thức ăn đường phố còn thờ ơ với Nghị định 115?

Thứ năm, 18/10/2018 14:00

Nghị định 115/2018/NĐ-CP (NĐ 115) quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực thi hành từ ngày 20-10-2018. Theo đó, NĐ mới sẽ bãi bỏ hình thức xử phạt hành chính là cảnh cáo, giữ lại duy nhất một hình thức là phạt tiền...

Từ ngày 20-10, sẽ xử phạt hành vi dùng tay trần bốc thức ăn.

“Nghị định 115 là... cái gì!?”

Các hình thức khắc phục hậu quả cũng được bổ sung thêm gồm buộc thu hồi sản phẩm; buộc gỡ bỏ quảng cáo, dừng phương tiện vận chuyển và nộp tiền bằng giá trị tang vật trong trường hợp tang vật không còn. Trong đó, NĐ quy định: Phạt 500 ngàn đồng - 1 triệu đồng với người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay (trước đây chỉ phạt từ 300 ngàn đồng – 500 ngàn đồng)...; phạt 1 - 3 triệu đồng đối với cửa hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay...; phạt 5 - 10 triệu đồng với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”...

Trên thực tế, nếu như đa phần các doanh nghiệp, khách sạn... chấp hành khá tốt các khâu ATTP thì đối với những người kinh doanh thức ăn đường phố lại vi phạm... nhan nhản. Không chỉ vậy, nhiều ý kiến còn cho rằng cho dù NĐ 115 tăng mức phạt thì vẫn khó để xử lý vi phạm. Theo ghi nhận của PV Báo Công an TP Đà Nẵng, đến thời điểm hiện tại nhiều người bán đồ ăn trên phố không đủ tiêu chuẩn vệ sinh vẫn không biết quy định mới, thậm chí có người khi nhắc đến còn thản nhiên “đến đâu hay đến đó, hiện tại chưa nghe”. Hầu hết các quán ăn, gánh hàng đều không có tủ đựng thức ăn chín, thực phẩm không được che chắn, gánh hàng bán ở nhiều vị trí không đảm bảo vệ sinh như gần cống, gần rác thải. Đặc biệt, người bán dùng tay bốc đồ ăn, bao gói thực phẩm bằng giấy đã qua in ấn, nước rửa bát đũa dùng đi dùng lại nhiều lần...vẫn diễn ra một cách bình thường.

Bà Nguyễn Thị B. (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) nói: “Suốt ngày phơi mặt ra đường kiếm sống bằng gánh hàng này có xem thời sự đâu để biết NĐ 115 là cái gì. Nếu nói phạt 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng thì cuộc sống của những người lao động khốn khó như tôi hết vốn còn gì. Sai thì phạt, nhưng theo NĐ mức phạt cao như vậy, trong khi chúng tôi bán cả ngày cùng lắm chỉ kiếm được 1 đến 2 trăm ngàn đồng, xử phạt nặng vậy dân nghèo chúng tôi chẳng còn kế sinh nhai”.

Thói quen khó bỏ

Nói đến việc phải mang bao tay trong quá trình chế biến thức ăn và thức ăn phải có tủ đựng, hoặc che chắn để đảm bảo vệ sinh theo quy định, bà B. phân trần: “Thiệt tình mà nói biết là phải mang bao tay nhưng tôi quen... tay trần rồi. Mang bao tay vướng víu, gói ghém khó khăn khách đợi lâu lại mất bạn hàng. Với lại, vốn ít nên làm gì có tủ đựng thức ăn, còn nếu giờ che chắn, khách hàng sẽ không biết mình bán thứ gì để mua. Chi bằng “lộ thiên” để còn cạnh tranh chào hàng”.

Lời chia sẻ của bà B. cũng là thực tế chung tồn tại hiện nay và để thay đổi được điều đó không phải chuyện một sớm một chiều. Ghé chân vào một quán ăn khác trên đường Trần Cao Vân (Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng), chị bán hàng đon đả mời chào “chị dùng món gì, bún mắm, cháo lòng hay bèo, nậm, đập, lọc...”. Miệng chào, tay thoăn thoắt, chỉ có điều “tay ải tay ai” kia cứ “trần truồng” mà bốc, nắm thức ăn. Khi nhắc nhở chị mang bao tay vào, chị cười trừ... “em quen rồi, thói quen khó sửa”. Sau lời nhắc, chị chủ hàng miễn cưỡng mang bao tay nhưng “oái oăm” hơn, phía mang bao tay chị cầm dao, phía tay trần chị lại cầm nắm thức ăn (!).

Khách quan mà nói, một trong những lý do khiến cho những người bán thức ăn đường phố vi phạm là do thói quen của người tiêu dùng. Trong đó, thói quen “nhanh-gọn-lẹ”, tiện đâu mua đấy, thích đâu ăn đấy, giá thành rẻ, đồ ăn đa dạng... dẫn đến việc nhiều quán xá vỉa hè hay đường phố không đảm bảo vệ sinh, chất lượng bất chấp tồn tại.

Nói về quy định xử phạt trong Nghị định 115 , đặc biệt là các hành vi bán thức ăn đường phố có hiệu lực từ 20-10 tới, ông Nguyễn Tấn Hải- Trưởng Ban ATTP TP Đà Nẵng cho biết: “Đây là một trong những cái khó, theo phân cấp thì quản lý thức ăn đường phố thuộc về các cấp xã, phường. Làm sao để tuyên truyền đến từng hộ tham gia kinh doanh, buôn bán bằng hình thức này hiểu để chấp hành tốt là vấn đề cần bàn tới. Có làm tốt khâu tuyên truyền, quản lý tốt từ địa phương thì mới đạt được mục đích đề ra. Chính vì vậy, Ban ATTP TP yêu cầu các cấp sở tại, tuyên truyền phổ biến, sau đó Ban sẽ tiến hành phối hợp kiểm tra (tùy trường hợp vi phạm sẽ nhắc nhở, hoặc xử phạt liền nếu sai phạm nghiêm trọng), sau đó sẽ thanh tra và xử phạt nghiêm tùy vào từng hành vi sai phạm.

TRANG TRẦN