Báo Công An Đà Nẵng

Vì sao người dân kiên quyết phản đối hút cát cửa sông Hà Thanh?

Thứ tư, 29/07/2020 07:04

Gần đây, hàng chục hộ dân ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, H. Tuy Phước (tỉnh Bình Định) gửi đơn đến các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định đề nghị dừng việc bơm, hút cát tại ngòi, lạch thuộc cửa sông Hà Thanh đoạn qua địa phận thôn Diêm Vân. Người dân lo ngại việc khai thác cát khiến bờ sông bị sạt lở, gây ô nhiễm nguồn nước; tác động tiêu cực đến hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Sà lan bơm, hút cát đặt ở vị trí khá gần đìa NTTS của người dân thôn Diêm Vân.

Quyết liệt phản đối

Theo trình bày của người dân thôn Diêm Vân, bao đời nay họ sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở các ngòi, lạch thuộc cửa sông Hà Thanh tiếp giáp với khu vực đầm Thị Nại. Toàn bộ diện tích mặt nước NTTS (khoảng 120 ha) tại thôn Diêm Vân đã được Nhà nước cân đối, giao quyền cho người dân canh tác, sản xuất hàng chục năm nay.

Vào tháng 5-2020, một Cty đưa 2 sà lan có gắn máy bơm, hút cát công suất lớn tới khu vực cửa sông Hà Thanh để hoạt động khai thác cát. Đáng nói, khu vực bơm, hút cát nằm khá gần các đìa NTTS của người dân. Lo ngại hoạt động này sẽ gây sạt lở bờ sông, sạt lở đìa NTTS; làm nguồn nước ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến quá trình đánh bắt thủy sản tự nhiên (cá, tôm, cua...) và NTTS nên người dân kiên quyết phản đối.

Mỗi khi sà lan hoạt động bơm, hút cát, người dân tập trung đông người tại hiện trường để ngăn cản. Đồng thời, họ gửi đơn tới chính quyền địa phương và ngành chức năng của tỉnh Bình Định kiến nghị dừng việc khai thác cát.

Ông Tạ Duy Linh (trú thôn Diêm Vân) cho biết: "Người dân địa phương phản đối hoạt động này bởi hệ lụy gây ra ảnh hưởng lâu dài đến môi trường và sinh kế của bà con. Tác động trước mắt là chúng tôi không thể khai thác, đánh bắt các loại thủy sản ở khu vực bơm, hút cát. Về lâu dài, việc khai thác cát sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến quá trình NTTS. Ngoài ra, còn khiến lòng sông bị khoét sâu; gây sạt lở bờ sông, sạt lở đìa NTTS, cũng như nhà cửa, chòi canh đìa".

Còn ông Lê Văn TrươngTrưởng thôn Diêm Vân nêu ý kiến: "Tôi không biết quy trình kỹ thuật có đảm bảo hay không, nhưng chắc chắn, hoạt động khai thác cát sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc đánh bắt, NTTS của ngư dân, nhất là các hộ dân ở xóm Gò Cau. Các cấp, các ngành cần xem xét, có biện pháp đảm bảo ổn định đời sống, canh tác của người dân và bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng khu dân cư".

Người dân thôn Diêm Vân lo ngại việc khai thác cát sẽ gây sạt lở đìa NTTS; cũng như nhà cửa, chòi canh đìa của họ.

Sớm giải quyết dứt điểm

Qua tìm hiểu được biết, ngày 24-4-2020, Cty TNHH Phú Hiệp được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác cát nhiễm mặn; nạo vét, khơi thông dòng chảy tại cửa sông Hà Thanh để phục vụ mục đích san lấp mặt bằng. Diện tích được cấp phép 5,9 ha; trong đó, 2 ha thuộc địa phận thôn Diêm Vân, còn lại thuộc P. Nhơn Bình (TP Quy Nhơn, Bình Định). Việc khai thác cát được thực hiện bằng phương pháp bơm, hút với công suất 15 m3 cát/giờ; trữ lượng, công suất khai thác hơn 35.400 m3 cát/ năm; mức sâu khai thác thấp nhất âm (-) 1,7 m. Thời gian khai thác 14 tháng, kể cả thời gian phục hồi môi trường. Cty TNHH vận tải và xây dựng Tuấn Kiệt là đơn vị được Cty TNHH Phú Hiệp ký hợp đồng thực hiện việc bơm, hút cát.

Vào ngày 21-5 vừa qua, người dân thôn Diêm Vân kiên quyết phản đối hoạt động khai thác cát nên đơn vị thực hiện phải tạm ngưng. Hiện 2 chiếc sà lan còn đặt tại khu vực cửa sông Hà Thanh, nhưng không hoạt động khai thác.

Ông Phan Thế Khoa- Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết: Trước phản ứng của người dân, xã báo cáo tình hình cho cấp trên để kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền. Theo xác định của ngành chức năng có liên quan, khu vực khai thác cát cách bờ sông từ 50 m - 78 m, phù hợp theo quy định của Luật Đê điều. Hoạt động khai thác cát chưa ảnh hưởng đến môi trường và chưa gây sạt lở bờ sông. Tuy nhiên, do người dân phản đối nên cơ quan chức năng yêu cầu tạm ngưng; khi nào có sự đồng thuận mới tiếp tục nạo vét, khai thác cát.

"Tới đây, UBND xã mời đại diện Cty TNHH Phú Hiệp và các hộ dân có đơn kiến nghị làm việc, đối thoại, vận động, giải thích để người dân nắm bắt chủ trương của cấp trên. Đồng thời, đề nghị Cty cam kết việc bơm, hút cát không gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng môi trường; trường hợp gây ảnh hưởng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục, hỗ trợ người dân", ông Khoa cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Hùng TânChánh Văn phòng UBND H. Tuy Phước thông tin: UBND huyện giao UBND xã Phước Thuận phối hợp với Phòng TN&MT huyện làm việc, giải thích, vận động người dân hiểu rõ chủ trương của tỉnh trong việc nạo vét, khơi thông dòng chảy tại các bãi bồi ven sông Hà Thanh và tận thu cát. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát khi đơn vị bơm, hút cát hoạt động để đảm bảo thực hiện đúng vị trí, độ sâu khai thác; không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và đời sống người dân. Trường hợp quá trình khai thác gây ảnh hưởng thì kịp thời báo cáo để các ngành chức năng có liên quan xử lý theo đúng quy định pháp luật.

DƯƠNG MINH