Báo Công An Đà Nẵng

Vì sao người dân tái định cư Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chưa thể an cư? (Kỳ 1: Nỗi niềm người dân tái định cư)

Thứ tư, 12/04/2023 08:18
Nhà xuống cấp, gia đình ông Thương sống chen chúc trong căn nhà gỗ chỉ 20m2.
Lo sợ khi ở trong ngôi nhà TĐC đã xuống cấp, gia đình ông Dũng dựng nhà sàn nhỏ ở kế bên.

Bất an vì nhà xuống cấp

Có mặt tại 3 xã: Trà Bui, Trà Đốc và Trà Giác vào cuối tháng 3 vừa qua, phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng không khỏi chạnh lòng, xót xa khi tận mắt chứng kiến nhiều ngôi nhà TĐC bị bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm, trong đó có nhiều ngôi nhà hoang được người dân tận dụng làm chuồng nuôi bò, kho chứa củi… Còn những ngôi nhà TĐC dân vẫn ở thì xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi mưa bão đến.

Ngồi trong ngôi nhà sàn chật hẹp, ông Hồ Văn Thương (67 tuổi, trú thôn 6, xã Trà Bui) đưa tay chỉ sang ngôi nhà cấp 4 sát bên cạnh rêu phủ kín, bị bỏ hoang 3 năm qua do trần nhà bị hư hỏng nặng, kể lể: “Năm 2009, gia đình tôi về đây nhận căn nhà TĐC này sinh sống. Sau một thời gian sử dụng, căn nhà xuống cấp, tường bị thấm, mưa xuống dột khắp nơi. Cơn bão năm 2020 làm la- phông trần nhà đổ sập. May gia đình tôi phát hiện, kịp chạy ra khỏi nhà nên không ai bị thương. Lo sợ gia đình sẽ gặp chuyện không may nên vợ chồng tôi dựng căn nhà sàn 20m2 cùng 6 người con, cháu ở từ đó đến nay”.

Cùng hoàn cảnh, gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (61 tuổi, trú thôn 5) cho biết, hơn 10 năm nay, gia đình ông cũng dựng căn nhà sàn 15m2 để ở, còn nhà TĐC thì đóng cửa để không. “Năm 2007, gia đình tôi nhận căn nhà TĐC, ở được vài năm thì tường bong ra cả mảng lớn rộng hơn 2 m. Tôi có báo chính quyền địa phương lên kiểm tra, nhưng không thấy họ sửa nên dựng nhà sàn bên cạnh để ở hơn 10 năm nay rồi, chứ nhà xuống cấp như vậy nguy hiểm quá”- ông Dũng cho hay.

Thời gian sử dụng lâu không được sửa sang, những căn nhà TĐC tại xã Trà Giác và xã Trà Đốc cũng đã xuống cấp trầm trọng. Điển hình như căn nhà bà Nguyễn Thị Thương (39 tuổi, trú thôn 1, xã Trà Giác), cửa, sườn la-phông bằng gỗ bị mối gặm đổ sập đã lâu, sườn nhà thì mục nát rơi khắp nơi. Bà Thương giải bày: “Sườn nhà bị hư nhiều năm nay, thỉnh thoảng rơi xuống mấy thanh gỗ. Năm ngoái, tôi đang đi trong nhà thì bị gỗ rơi trúng đầu chảy máu, cũng may chỉ bị thương nhẹ. Sống trong căn nhà này gia đình tôi cũng bất an lắm, nhưng vì làm không đủ ăn thì lấy tiền đâu sửa?”. Cũng trong tình cảnh nhà xuống cấp trầm trọng, 5 năm qua, gia đình bà Hồ Thị Đường (60 tuổi, trú thôn 2, xã Trà Đốc) ở song cùng 2 căn nhà: “Căn nhà TĐC bị hư nặng, mái tôn nhà bị thủng nhiều lỗ, mưa xuống dột khắp nơi, không thể ở được vào mùa mưa. Vì không có điều kiện để sửa lại, nên gia đình tôi lên núi đốn gỗ về dựng căn nhà sàn ở mùa mưa, còn mùa nắng ở bên nhà xây. Ở vậy đến nay cũng được 5 năm rồi”. .

Căn nhà bà Thương trống hoác, sườn nhà mục nát.

Mất “kế sinh nhai”…

Từng là nông dân sản xuất giỏi tại địa phương, không lo cái ăn, cái mặt, nhưng từ khi về ở khu TĐC gia đình ông Hồ Văn Thương đối mặt với rất nhiều khó khăn. Số tiền 300 triệu đồng được đền bù 14 năm về trước, ông Thương lo cho con cái ăn học, chi tiêu đã hết sạch. “Lúc ở dưới lòng hồ, gia đình có 20 ha đất canh tác, mỗi năm thu hoạch hơn 1 tấn đậu phụng, 50 bao lúa. Ngoài ra, gia đình trồng hơn 20.000 cây quế, chăn nuôi gần 20 con bò, lợn, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng. Từ ngày về ở TĐC tại đây, gia đình chúng tôi không được cấp đất sản xuất. Không còn đất dưới lòng hồ, đến mùa người dân khai thác rẫy keo, tôi xin họ làm 1 vụ lúa được vài bao gạo ăn. Gia đình đông người, cuộc sống túng thiếu, mới đây, tôi đành phải cho đứa út học lớp 8 nghỉ học để phụ giúp gia đình”- ông Thương bộc bạch.

Tương tự, kể từ khi về TĐC tại thôn 6 Trà Bui, gia đình ông Hồ Văn Ngọc không có đất canh tác nên quay về nơi cũ dựng trại trồng hoa màu, chăn nuôi trên diện tích 8 ha đất nằm ngoài vệt đền bù để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, mới đây ông Ngọc lại nghe BQL rừng phòng hộ H. Bắc Trà My bảo khu đất này nằm trong phạm vi đất rừng phòng hộ và thông tin sẽ thu hồi khiến gia đình ông vô cùng rối bời. “Nơi ở cũ, gia đình làm hoa màu, chăn nuôi, cuộc sống no đủ. Phần đất diện tích 8 ha nằm ngoài vệt đền bù, cha mẹ tôi khai hoang canh tác từ lâu, hiện là kế sinh nhai duy nhất của gia đình. Giờ lại nghe BQL rừng phòng hộ H. Bắc Trà My nói vậy, gia đình tôi không biết phải làm sao nữa. Nếu bị Nhà nước thu hồi gia đình tôi biết sống thế nào?”.

Cùng hoàn cảnh đó, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thương cũng về nơi ở cũ dưới lòng hồ để trồng hoa màu. Bà Thương buồn bã than vãn: “Lúc ở dưới lòng hồ, điều kiện sống rất tốt, đến mùa thu hoạch lúa, đậu, bắp gia đình bán bớt chứ ăn không hết. Cứ nghĩ về nơi ở mới cuộc sống sẽ tốt hơn, ai ngờ lại khó khăn như vậy. Nước lòng hồ ngập, hiện diện tích đất có thể trồng hoa màu rất ít, lương thực làm ra cũng chỉ đủ ăn...”.

Cũng như nhiều hộ dân khác, về TĐC không có đất sản xuất, ông Đinh Thanh Phong (44 tuổi) - Trưởng thôn 1, xã Trà Giác, đành quay lại dựng trại chăn nuôi trên phần đất còn lại dưới lòng hồ thủy điện để cải thiện cuộc sống. Ông Phong tâm sự: “Khu vực dưới lòng hồ trước đây đất đai màu mỡ, làm lúa, hoa màu cho năng suất cao, không lo cái ăn. Về nơi ở mới chỉ có căn nhà, không có đất canh tác, chúng tôi đành quay về dựng trại chăn nuôi lợn, gà, vịt và trồng trọt trên phần đất của gia đình gần lòng hồ, cách nhà hơn 8km. Nước đã ngập vùng trũng, còn địa hình đồi và thiếu nước khiến việc canh tác không thuận lợi”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhiều hộ dân nằm trong diện TĐC ảnh hưởng bởi Dự án Thủy điện Sông Tranh 2 ngày ấy khi nhận số tiền đền bù lớn, nhưng vì không có hoạch định khoa học, sử dụng không đúng mục đích nên nhanh chóng hết tiền, lâm vào khó khăn. Như trường hợp của bà Hồ Thị Đường nhận đền bù được hơn 300 triệu đồng (thu hồi toàn bộ đất -PV). Với số tiền này, khi về TĐC, gia đình bà dùng vào việc mua sắm đồ đạc “hàng hiệu”, mua 2 chiếc xe máy cho con, còn lại lo cho con ăn học, chi tiêu hằng ngày nên dần cạn kiệt. Đến khi hết tiền, bà Đường mới đi làm, nhưng đất sản xuất không có đành xin cải tạo ruộng kém màu mỡ của dân canh tác, lúa thu hoạch không đủ ăn. Nay nhà xuống cấp cũng không có tiền để tu sửa lại.

Ngoài việc thiếu đất sản xuất, nhà xuống cấp, người dân 3 xã này còn đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Nhiều năm qua, công trình nước sạch tại đây bị hư hỏng nên người dân dùng ống nhựa dẫn nước từ khe suối về sử dụng không đảm bảo vệ sinh, mùa nắng đi xách nước ở khe suối rất xa…

Lê Vương (còn nữa)