Báo Công An Đà Nẵng

Vì sao người dân tái định cư Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chưa thể an cư: (Kỳ II:  Giải pháp, chính sách giúp dân an cư)

Thứ năm, 13/04/2023 08:12
Người dân mong muốn địa phương, BQLDA Thủy điện 3 hỗ trợ sửa lại căn nhà xuống cấp.

Họ mong muốn chính quyền, Ban Quản lý dự án (BQL DA) Thủy Điện 3 có chính sách hỗ trợ sửa chữa nhà, tạo sinh kế để vươn lên thoát nghèo.

Nguyên nhân vì đâu người dân tái định cư chưa an cư?

Lý giải về việc người dân TĐC Thủy điện Sông Tranh 2 thiếu đất sản xuất, ông Nguyễn Hồng Vương – Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) H. Bắc Trà My thông tin, có 834 hộ dân của 3 xã: Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác ảnh hưởng bởi dự án Thủy điện Sông Tranh 2, di dời TĐC từ năm 2007 đến 2009. Khi TĐC, người dân được cấp 1.000m2 đất và 1 căn nhà cấp 4. Theo chính sách di dời dân, địa phương và BQLDA Thủy Điện 3 sẽ thu hồi đất bị ảnh hưởng dự án, sau đó cấp lại đất từ 1,2 đến 1,8 ha sản xuất tại nơi ở mới. Tuy nhiên, thời điểm đó, hầu hết người dân đều có nhu cầu nhận tiền đền bù và UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất, đồng ý cho người dân nhận tiền. Đây chính là nguyên nhân khiến đa số các hộ dân di dời theo kế hoạch bị thiếu đất sản xuất, quay về sản xuất trên diện tích còn lại tại lòng hồ.

Về thực trạng nhà xuống cấp, theo ông Hồ Cao Quý - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, nguyên nhân là do khí hậu miền núi mưa nhiều khiến nhà nhanh hư hỏng và cũng bởi do xưa nay người đồng bào quen sử dụng nhà sàn gỗ nên không quan tâm, tu sửa căn nhà xây. Ngoài ra, một phần do lỗi chủ quan, người dân nhận số tiền đền bù lớn không biết chi tiêu hợp lý dẫn đến hết tiền, không có điều kiện sửa nhà. Cũng theo ông Hồ Cao Quý, toàn xã Trà Đốc có 74 hộ dân được di dời về nơi TĐC. Cơ sở hạ tầng đường sá vào các khu TĐC thuận lợi, hệ thống lưới điện phục vụ cho người dân tốt, chỉ có thiếu nguồn nước sinh hoạt. “Người dân khu vực quy hoạch dự án nhận tiền đền bù ít nhất 300 triệu đồng, cao nhất hơn 1 tỷ đồng. Do nhận thức của bà con còn hạn chế nên sử dụng tiền không tiết kiệm. Lúc đó, UBND xã đã tuyên truyền bà con nên gửi tiền ngân hàng lấy lãi tiêu dần. Bà con cũng thực hiện nhưng gửi được mấy hôm thì ra ngân hàng rút tiền về mua sắm đồ đạc, tiêu xài hết. Do đó, người dân không có điều kiện sửa lại nhà cửa. Chỉ có số ít người sử dụng tiền mua đất, mở rộng đầu tư chăn nuôi thu lợi nhuận cao, vươn lên làm giàu”- ông Quý giải thích thêm.

Do thiếu đất sản xuất, người dân xã Trà Bui bỏ nhà TĐC về nơi ở cũ sinh sống, sản xuất.

Chính sách cùng giải pháp trao “cần câu” cho dân

Về định hướng hỗ trợ cho bà con phát triển sinh kế bền vững, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc Hồ Cao Quý cho hay, hiện tại nhà nước có chính sách cho người dân vay vốn lãi suất thấp để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, địa phương đang tuyên truyền, vận động người dân vay vốn phát triển chăn nuôi, chú trọng học hỏi và phát triển mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ. Ngoài ra, chính quyền xã cũng động viên con em ở địa phương đi học nghề may và được nhận lao động tại cơ sở học nghề. Ông Quý cho biết thêm, trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt, UBND H.Bắc Trà My đã phê duyệt đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng công trình nước sạch để bà con sử dụng.

Về phần mình, ông Lê Cường- Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho biết, UBND xã cũng báo cáo lên huyện để có chính sách sửa chữa nhà, nâng cấp hạ tầng, hệ thống nước sinh hoạt và tạo sinh kế cho dân thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Linh – Chủ tịch UBND xã Trà Giác chia sẻ thêm, lúc về TĐC, người dân chưa thích nghi với điều kiện mới nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, người dân về lại trồng trọt, chăn nuôi phần đất chưa bị ngập nước dưới lòng hồ và thủy điện cũng tạo điều kiện cho người dân canh tác nhưng phụ thuộc vào lượng nước lòng hồ. Do người dân cũng chưa nắm được kỹ thuật trồng trọt lợi dụng mực nước lên xuống của lòng hồ để canh tác nên chưa hiệu quả. “Địa phương đang có kế hoạch đề xuất sử dụng nguồn hỗ trợ từ chương trình giảm ngèo, nông thôn mới để sửa chữa nhà cho người dân, đồng thời phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi là thế mạnh tại địa phương giúp bà con thoát nghèo”- ông Linh cho hay.

Đối với thắc mắc, âu lo của người dân TĐC về diện tích đất canh tác của người dân khu vực lòng hồ đã được quy hoạch thành rừng phòng hộ, ông Nguyễn Hồng Vương – Trưởng Phòng NN&PTNT H. Bắc Trà My cho hay: “Hiện có nhiều diện tích đất canh tác của người dân khu vực lòng hồ nằm trong khu vực rừng do BQL rừng phòng hộ H.Bắc Trà My quản lý. UBND huyện đã rà soát, quy hoạch diện tích đất chồng lấn giữa rừng phòng hộ và đất của người dân; đồng thời báo cáo kiến nghị lên UBND tỉnh xem xét giải quyết phần đất nằm trong khu vực cần bảo vệ rừng phải thu hồi, còn lại giao cho người dân sản xuất”...

Người dân TĐC xã Trà Đốc quay về canh tác diện tích đất chưa ngập nước gần lòng hồ.

Liên quan đến thực trạng cuộc sống người dân TĐC, ông Nguyễn Bình – Trưởng Phòng Môi trường TĐC (BQLDA Thủy Điện 3) cho biết, thực hiện theo chính sách, trước khi đưa dân về TĐC tại các địa bàn nói trên, đơn vị đã xây dựng hệ thống đường sá, điện nước, trường học … đảm bảo. Ngoài các quy định bồi thường, thủy điện đã hỗ trợ lương thực kéo dài từ 12 tháng lên 60 tháng cho người dân TĐC có thời gian ổn đinh sản xuất. Ngoài ra, để đảm bảo sinh kế cho người dân, sau khi thủy điện tích nước, đơn vị đã thả 8 đợt, hơn 650.000 con cá giống trị giá hơn 400 triệu đồng nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản lòng hồ và để cho người dân khai thác, đánh bắt cải thiện sinh kế. Hiện đơn vị đang phối hợp với UBND H. Bắc Trà My kiểm tra, rà soát nhu cầu của người dân phát triển các loại hình sinh kế trong phạm vi lòng hồ, từ đó phát triển các mô hình sinh kế phù hợp, xây dựng các chương trình phát triển tái tạo rừng, trồng rừng gỗ lớn, cây trồng phù hợp, nuôi cá lồng bè…Còn về nhà TĐC xuống cấp, ông Bình cho biết sẽ phối hợp với UBND H.Bắc Trà My kiểm tra, sau đó lập báo cáo chi tiết để kiến nghị UBND tỉnh trích một phần nhỏ từ ngân sách đã nộp hơn 1.200 tỷ đồng sửa nhà cho người dân.

Qua tìm hiểu, được biết, nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân TĐC, cũng như người dân sống gần lòng hồ UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Chương trình sinh kế cho người dân lưu vực các lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu mỗi huyện có hồ chứa thủy điện phải kiểm tra, đánh giá và hoàn thành mô hình phát triển sinh kế hiệu quả và bền vững cho bà con.

Mong rằng, các chính sách và giải pháp trao “cần câu” cho dân như cơ quan chức năng đã nói ở trên sớm được triển khai, để đời sống của người dân TĐC của 3 xã Trà Bui, Trà Giáp, Trà Đốc sớm ổn định, an cư mà lạc nghiệp.

Lê Vương