Báo Công An Đà Nẵng

Vì sao nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động?

Thứ năm, 01/08/2024 06:10
Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng đang có nhu cầu tuyển dụng lao động. Trong ảnh: Một phân xưởng sản xuất của Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng tại KCN Hòa Khánh.

“Đỏ mắt” tìm lao động

Ông Huỳnh Nhất Huy - Tổng Giám đốc Công ty CP VAFI ở KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh của đơn vị, Công ty đã nhiều lần tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, trong 6 tháng gần đây, đơn vị này đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình tuyển dụng lao động. “DN mong Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng (LĐ-TB-XH) có khảo sát, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người lao động, tạo điều kiện hỗ trợ DN tốt hơn trong việc tuyển dụng lao động trong thời gian tới”- ông Huỳnh Nhất Huy kiến nghị.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Phu – Phó Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng ở KCN Hòa Khánh chuyên sản xuất sản phẩm bộ dụng cụ câu cá để xuất khẩu, cho biết, khó khăn nhất khi mở rộng sản xuất của công ty này là khâu tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là nhân sự lao động phổ thông. “Công ty tăng công suất sản xuất lên 30% và cần tuyển dụng thêm 300 lao động, nhưng trong 6 tháng vừa qua chúng tôi vẫn không thể tuyển đủ người”- ông Nguyễn Văn Phu cho hay. Cũng theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng, hiện nay đang có sự chuyển dịch lao động là người ngoại tỉnh đang làm việc tại các KCN trên địa bàn TP Đà Nẵng trở về xin việc tại các cụm, KCN ở quê nhà khiến cho TP Đà Nẵng đứng trước nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động. Một trong những lý do của việc dịch chuyển lao động ngoại tỉnh là do các tỉnh lân cận như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên- Huế đã, đang phát triển nhiều cụm, KCN, đặc biệt là có chính sách ưu đãi thu hút lao động tại địa phương nên người lao động ngoại tỉnh lựa chọn về làm việc tại quê hương sẽ tiết kiệm chi phí, được hưởng nhiều ưu đãi lao động, nhất là ở gần nhà.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Phu còn cho hay, qua thực tế công tác tuyển dụng nhân sự cho thấy, hiện còn có tình trạng người lao động xin nghỉ việc ở DN nhưng chưa đi tìm việc mới mà chờ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Do vậy, ông Phu đề xuất Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng nên kết nối trực tiếp cho các DN sản xuất với các trường học, trung tâm dạy nghề để có thêm nguồn lao động từ việc các đơn vị này cho học sinh, sinh viên vừa học vừa kết hợp làm việc thực tế tại các DN.

Nguyên nhân mất cân đối cung - cầu

Đứng ở góc độ quản lý Nhà nước trên lĩnh vực lao động, ông Trương Ngọc Hùng - Phó Phòng Chính sách việc làm thuộc Sở LĐ – TB-XH TP Đà Nẵng chia sẻ, khó khăn trong tuyển dụng lao động là thực trạng của nhiều DN, nhất là các DN trong các cụm, KCN trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện nay. Theo thống kê, lực lượng lao động trên địa bàn TP Đà Nẵng (từ 15 tuổi trở lên) đang làm việc trong các ngành kinh tế, các đơn vị DN, cơ sở sản xuất kinh doanh là hơn 633.000 người. Trung bình mỗi năm có từ 30.000 - 35.000 người vào độ tuổi lao động và có khoảng 15.000 - 20.000 học sinh, sinh viên và các học viên học đào tạo nghề ra trường. Đây là nguồn cung lao động dồi dào, phục vụ cho việc sử dụng lao động cho DN.

Ông Trương Ngọc Hùng cho biết thêm, trung bình mỗi năm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng có khoảng 15.000 - 20.000 DN đăng ký tuyển dụng lao động. Đặc biệt là từ cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, số lượng DN đăng ký tuyển dụng lao động tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng rất nhiều. “Nguồn cung và cầu lao động tại TP Đà Nẵng rất lớn, nhưng thực tế đang lệch pha. Trong khi, tỷ lệ người lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng để tìm kiếm việc làm rất ít, chỉ khoảng 15%. Điều này thể hiện sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động”- ông Trương Ngọc Hùng chia sẻ thêm. Nguyên nhân của sự mất cấn đối giữa cung và cầu lao động, theo Phó Phòng Chính sách việc làm, chủ yếu là do người lao động chưa đáp ứng được các yêu cầu của DN về kỹ năng, tác phong lao động. Bên cạnh đó, nhiều lao động trẻ Đà Nẵng có xu hướng chuyển dịch từ lao động chính thức tại các DN sang làm việc tự do. “Tiền lương bình quân của DN ngoài Nhà nước tại TP Đà Nẵng vào khoảng gần 5,4 triệu đồng. Đây là mức lương tương đối thấp, nên không hấp dẫn, thu hút người lao động"- ông Trương Ngọc Hùng đánh giá.

Được biết, để hỗ trợ các DN giải quyết khó khăn trong tuyển dụng lao động, TP Đà Nẵng tiếp tục triển khai nhiều chính sách phát triển thị trường lao động; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN trong công tác tuyển dụng lao động; tăng hiệu quả kết nối cung - cầu lao động qua các phiên giao dịch việc làm, nhất là các phiên giao dịch việc làm di động tại các địa phương, trường cao đẳng, đại học. Mới đây nhất, hồi đầu tháng 7-2024, Sở LĐ- TB-XH thành phố đã phối hợp tổ chức ngày hội việc làm tại Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). Trong phiên giao dịch đó, các DN đã tuyển dụng được hơn 700 lao động, trong đó, 500 lao động là sinh viên ngành kinh tế. Sở LĐ-TB-XH cũng khuyến nghị, thời gian tới, các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động cần tính toán linh hoạt cơ cấu tuyển dụng, quan tâm đến công tác đào tạo nghề tại chỗ cho người lao động… Đặc biệt là nghiên cứu chính sách tiền lương hợp lý, chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động như tiền tăng lương, tiền tăng ca, nuôi con nhỏ, v.v… để tuyển dụng và giữ chân người lao động.

Phú Nam