Vì sao nhiều dự án đầu tư công phải tăng vốn?
Đà Nẵng vừa điều chỉnh chủ trương đầu tư, tăng vốn nhiều dự án đầu tư công, trong đó có những dự án tăng vốn hàng trăm tỷ đồng. Vì sao nhiều dự án cứ đi vào triển khai lại đội vốn?
Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) vừa được điều chỉnh tăng vốn đầu tư hơn 186 tỷ đồng. |
Đội vốn vì chờ lâu
Dự án Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) được khởi công tháng 10-2020 với tổng mức kinh phí từ ngân sách Đà Nẵng hơn 703 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển công nghiệp Công nghệ thông tin (CNTT), tạo động lực phát triển kinh tế TP. Theo thiết kế, công trình gồm khối nhà văn phòng ICT 20 tầng (hơn 26 ngàn m2 sàn); 2 khối nhà 8 tầng tổng diện tích sàn hơn 67 ngàn m2 cùng hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng cho khoảng 6 ngàn vị trí làm việc trực tiếp về CNTT, công nghệ số. Tuy nhiên, công trình khởi công xây lắp chưa được bao lâu thì phải làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, tăng vốn đầu tư.
Cụ thể, điều chỉnh, bổ sung các hạng mục công trình để trước mắt hoàn thiện Khối nhà ICT1 cao 8 tầng để sớm đưa vào vận hành khai thác với tổng kinh phí bổ sung hơn 186 tỷ đồng. Trong đó, phần xây lắp bổ sung khu vực vườn ươm tầng 4 khối ICT1, phần che nắng cho cả 3 khối nhà (ICT 20 tầng, ICT1 và ICT2 8 tầng), trạm xử lý nước thải, trạm biến áp, phần lắp đặt (nhân công, vật tư) cho hệ thống điều hòa không khí, cấp gió tươi khối ICT1... Như vậy, tổng mức đầu tư dự án sau khi điều chỉnh sẽ tăng lên hơn 986 tỷ đồng.
Sở dĩ dự án vừa triển khai đã phải điều chỉnh tăng vốn vì thời gian từ lúc phê duyệt chủ trương đầu tư đến khi phê duyệt dự toán kinh phí kéo dài (từ tháng 5-2019 đến tháng 9-2020), nên tổng mức đầu tư được duyệt không còn phù hợp với thực tế. Cụ thể, trong thời gian đó, giá nguyên vật liệu đã biến động tăng, chế độ tiền lương thay đổi, giá nhân công tăng, tính toán chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá theo độ dài thời gian thực hiện dự án chưa đúng, chưa đủ theo quy định... Mặt khác, trong quá trình triển khai dự án có bổ sung thêm 2 hạng mục so với chủ trương đã được phê duyệt là: Bố trí Trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, đào tạo, vườn ươm công nghệ thông tin (tầng 4 khối nhà ICT1) và Trạm biến áp cấp điện cho công trình. Như vậy sau khi điều chỉnh tăng vốn đầu tư, công trình sẽ đa dạng về công năng sử dụng.
Ngoài phần hạ tầng CNTT (trung tâm dữ liệu) phục vụ chuyển đổi số cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp; phần không gian phát triển CNTT để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phần mềm tạo môi trường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế số của TP thì còn phần xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, đào tạo, vườn ươm CNTT. Với dự án trọng điểm này, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ tạo môi trường làm việc đạt chuẩn quốc tế để thu hút nhân lực chất lượng cao về CNTT, tạo ra các sản phầm và dịch vụ CNTT có khả năng thay thế sản phẩm nhập khẩu, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và sức cạnh tranh của các sản phầm hàng hóa-dịch vụ của doanh nghiệp Đà Nẵng...
Theo Phó chủ tịch HĐND TP Lê Minh Trung, hiện nay có một thực trạng các đơn vị làm công tác chuẩn bị đầu tư làm cho xong, cho có, khi ra kiểm tra thì không sát, đề xuất lên một đường nhưng thực tế dự án nào cũng đội lên vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Thậm chí có dự án không thể thực hiện được nhưng vẫn đề xuất chủ trương đầu tư. Vừa qua TP buộc phải dừng một số dự án để rà soát làm lại. Ông Trung cho rằng phải kiểm điểm trách nhiệm của Ban quản lý dự án, đặc biệt của cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư, dẫn đến việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần.
Do triển khai kéo rê
Nhiều dự án giao thông của TP cũng phải điều chỉnh tăng vốn do thời gian triển khai kéo dài, chi phí đền bù giải tỏa tăng lên. Đơn cử dự án tuyến đường 45m đoạn từ đường Lê Hữu Trác đến đường Nguyễn Văn Thoại (Q.Sơn Trà) có quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2016 với tổng mức hơn 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay TP buộc phải điều chỉnh chủ trương, tăng vốn mới có thể triển khai dự án. Trong đó, sẽ phải tăng thêm hơn 65 tỷ đồng, tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh hơn 105 tỷ đồng. Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, sở dĩ phải điều chỉnh tăng vốn đầu tư vì áp dụng đơn giá đất bồi thường (năm 2014) không còn phù hợp, phải áp dụng đơn giá bồi thường năm 2020, dẫn tới làm tăng chi phí đền bù để giải phóng mặt bằng. Ví dụ, vị trí đường Lê Hữu Trác có đơn giá cũ là 5,88 triệu đồng, đơn giá mới là 13,99 triệu đồng, tăng 3,38 lần.
Chênh lệch về đơn giá bồi thường nhà khoảng 1,33 lần, vật kiến trúc khoảng 1,96 lần. Tương tự với dự án tuyến đường 45m từ Hồ Ngọc Lãm đến Trương Định có chủ trương đầu tư từ năm 2016 với tổng kinh phí hơn 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai kéo dài, đến nay vướng mặt bằng, tăng chi phí đền bù giải tỏa, dẫn tới tăng tổng mức đầu tư. Nếu triển khai từ năm 2016, mức đền bù đơn giá đất vị trí 3 đường Trương Định chỉ có 2,2 triệu đồng/m2, nay đơn giá mới hơn 13,4 triệu đồng/m2, tăng hơn 6,1 lần. Như vậy, để tiếp tục triển khai dự án, khớp nối hạ tầng giao thông khu vực thì phải điều chỉnh tăng vốn dự án thêm hơn 80 tỷ đồng. Theo ông Trần Chí Cường, Trưởng Ban kinh tế- Ngân sách HĐND TP, sau khi điều chỉnh tăng vốn, 2 dự án giao thông này phải đẩy nhanh tiến độ, tránh tình trạng kéo dài, làm phát sinh kinh phí, đội vốn đầu tư như hiện nay.
Không chỉ 2 dự án trên, nhiều dự án giao thông tại Đà Nẵng cũng thi công kéo dài, chậm trễ, nguy cơ đội vốn, giảm hiệu quả đầu tư. Đơn cử tuyến đường Tuyên Sơn - Túy Loan khởi công từ năm 2017 đến nay mới đạt hơn 175 tỷ đồng, khoảng 55%. Đúng ra tuyến đường này đã phải hoàn thành từ lâu, tuy nhiên tới giờ vẫn đang loay hoay giải phóng mặt bằng, đạt 285/414 hồ sơ. Hoặc tương tự là tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ QL 14B đến đường Hồ Chí Minh cũng chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Việc triển khai chậm trễ, kéo dài dẫn tới phát sinh chi phí, đội vốn đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư công là điều không tránh khỏi.
Như vậy, việc lập chủ trương đầu tư không sát thực tế, việc triển khai dự án kéo dài dẫn tới phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, đội vốn, làm giảm hiệu quả đầu tư công ở nhiều dự án tại Đà Nẵng.
HẢI QUỲNH