Báo Công An Đà Nẵng

Vì sao nhiều làng du lịch cộng đồng hoạt động chưa hiệu quả?

Thứ năm, 18/07/2019 12:23

Được xem là làn gió mới, mang đầy triển vọng làm thay đổi một phần diện mạo của nông thôn và giúp người nông dân thoát khỏi cảnh “một nắng hai sương” vươn lên làm giàu, thế nhưng, mô hình làng du lịch cộng đồng tại một số địa phương ở Quảng Nam vừa ra đời đã phải chịu cảnh “sống” lay lắt vì hoạt động không hiệu quả. 

Khách đến ngắm cảnh rồi ra về vì không có các loại dịch vụ.

Vắng khách

Mỹ Sơn (xã Duy Phú, H. Duy Xuyên) được ví là “đàn anh” trong lĩnh vực du lịch cộng đồng tại Quảng Nam. Với lợi thế nằm ngay cửa ngõ vào khu đền tháp Mỹ Sơn, di sản văn hóa thế giới, làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn kỳ vọng đáp ứng đầy đủ những nhu cầu sinh hoạt của du khách sau chặng đường dài mệt mỏi và hưởng thụ một bầu không khí trong lành cùng những đặc sản riêng có của địa phương. Thế nhưng, kỳ vọng bao nhiêu thì thất vọng lại nhân lên gấp bội.  Ông Võ Văn Xoa - nguyên Tổ trưởng Tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, cho biết: Khách tới làng ngày càng vắng. Sở VH-TT&DL và huyện không hỗ trợ gì cả. Những doanh nghiệp ban đầu cam kết đưa khách tới, giờ cũng đã rút lui. Các thành viên trong làng chủ yếu vẫn tự xoay xở bằng cách đưa thông tin lên mạng để giới thiệu song vẫn vắng khách.

Tương tự, làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu tại xã Duy Vinh, H. Duy Xuyên cũng được người dân và chính quyền địa phương đặt bao kỳ vọng, với nhiều công trình được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt, như khách sạn có vốn đầu tư hơn 90 tỷ đồng cùng nhiều hạng mục khác do người dân tự xây dựng để bảo tồn không gian sống... Sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, tháng 7-2013 hãng lữ hành quốc tế Lê Nguyễn tiếp quản mọi hoạt động du lịch của làng, gồm: cụm lưu trú homestay, tour du lịch khám phá sông nước, khu du lịch làng nghề thủ công mỹ nghệ dệt chiếu, đan lát, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng làng quê... Tuy nhiên, do không tổ chức được tour nên Cty Lê Nguyễn phải tự rút lui. Ông Trần Duy Năm - cán bộ xã Duy Vinh, cho biết: Dù đã huy động cả cộng đồng cùng làm nhưng quá vắng khách nên những người trong độ tuổi lao động rủ nhau đi làm công nhân, phục vụ cho các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn ở Hội An.

Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, xã Điện Phương, TX Điện Bàn do HTX Nông nghiệp Triêm Tây làm chủ với 26 xã viên cũng lâm vào hoàn cảnh không mấy khả quan. Còn nhớ, giữa năm 2017, lễ khai trương làng du lịch cộng đồng Triêm Tây được tổ chức một cách hoành tráng, mang nhiều hy vọng cho cư dân địa phương. Theo đó, làng du lịch cộng đồng Triêm Tây nhận sự hỗ trợ của UNESCO và Tổ chức ILO hoạt động trong khuôn khổ dự án “Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững miền Trung” cùng những lời lẽ “có cánh” của lãnh đạo một số công ty du lịch lữ hành. Thế nhưng, giờ đây, đời sống của 26 xã viên ngày càng khó khăn vì bỏ vốn đầu tư song chưa mang lại lợi ích nào cả. Theo ông Dương Văn Ca -nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phương: Với cách kinh doanh du lịch như hiện tại, làng du lịch cộng đồng Triêm Tây sẽ không bao giờ phát triển. Vì cơ sở hạ tầng và chất lượng phục vụ khách vừa yếu lại vừa thiếu. Khách có đến Triêm Tây chỉ để ngắm phong cảnh, không biết ăn cái gì, ngủ ở đâu...

Không riêng gì những làng du lịch tại các huyện đồng bằng mà hoạt động du lịch ở miền núi Quảng Nam cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Nhiều dự án, như: “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu”, du lịch sinh thái thác Grăng tại xã Tà Bhing, Nam Giang, du lịch miền núi và tạo sản phẩm du lịch tại làng BhơHôồng, xã Sông Kôn, Đông Giang, làng du lịch sinh thái Azứt, xã Bha’Lêê, thôn Arầng 1, xã A Xan, Tây Giang... cũng lâm vào cảnh đìu hiu, vắng khách.

Thiếu nhiều thứ

Nguyên nhân nào làm cho các khu du lịch sinh thái cộng đồng tại Quảng Nam ngày càng vắng khách? Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân đầu tiên là cơ sở hạ tầng chưa thực sự hoàn thiện. Nhiều địa phương chỉ chú trọng xây dựng, bảo tồn cảnh quan nhưng không hoàn thiện các khâu hậu cần, như: nơi lưu trú, dịch vụ ăn uống, quà lưu niệm... nên dù khách vẫn đến làng nhưng người dân lại không có thu nhập. Theo nhận định của các chuyên gia, HTX Triêm Tây đầu tư chưa đến 1 tỷ đồng để làm du lịch cộng đồng nên thất bại là điều tất nhiên. Bên cạnh đó là việc các cơ quan chức năng sau khi hỗ trợ xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng, những công ty lữ hành cam kết sẽ đưa khách tới làng... đã bỏ mặc cho người dân tự xoay xở với giấc mơ làm du lịch của mình. Do vậy, cần lắm những cơ chế hỗ trợ về đào tạo nghề, xây dựng mô hình du lịch phù hợp, đủ điều kiện đáp ứng các nhu cầu của du khách dựa trên xu hướng chủ đạo là chia sẻ lợi ích cho người dân thông qua việc tạo sinh kế, thu nhập; nâng cao nhận thức cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống và phải có sự vào cuộc của doanh nghiệp để kết nối thị trường du lịch trong và ngoài nước.

Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, du lịch cộng đồng tại Quảng Nam còn thiếu nhiều thứ. Cụ thể, thiếu về năng lực quản lý, chất lượng dịch vụ còn kém, ANTT chưa được đảm bảo. Ngoài ra, tại một số địa phương, các dịch vụ của du lịch cộng đồng đều mang tính tự phát nên không đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Như vậy, du lịch cộng đồng tại Quảng Nam vẫn còn hạn chế về nhiều mặt và đó là nguyên nhân dẫn đến việc hoạt động không hiệu quả. Hy vọng, trong thời gian đến, các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn lên hoạt động hiệu quả...

M.T