Báo Công An Đà Nẵng

Vì sao Panama thành “thiên đường trốn thuế”?

Thứ sáu, 08/04/2016 10:40

(Cadn.com.vn) - Hàng triệu tài liệu mật liên quan đến việc trốn thuế của hàng loạt nhân vật giàu có và quyền lực trên thế giới đã bị rò rỉ từ Cty luật Mossack Fonseca ở Panama. Và thông qua vụ việc này, cái tên Panama, một trong những “thiên đường trốn thuế” nổi tiếng nhất trên thế giới, cũng được dư luận nhắc đến nhiều hơn. Vậy lý do nào khiến quốc đảo này trở thành nơi hấp dẫn bậc nhất đối với những người trốn thuế?

Lịch sử trốn thuế

Theo nghiên cứu khoa học năm 2013 của Trung tâm thuế Na Uy, lịch sử trở thành “thiên đường trốn thuế” của Panama bắt đầu vào năm 1919 khi nước này cho các tàu biển nước ngoài đăng ký giúp tập đoàn dầu mỏ lớn của Mỹ là Standard Oil trốn thuế và lách các quy định của quốc gia.

Nối gót theo sau, nhiều chủ tàu Mỹ khác cũng bắt đầu né tránh những chính sách nghiêm ngặt của Washington về chế độ lương bổng và điều kiện làm việc cho nhân viên. Ngoài ra, khi đăng ký trở thành tàu của Panama vào thời điểm đó, các con tàu chở khách của Mỹ có thể phục vụ rượu cho khách hàng mà không bị phạm luật. Theo nghiên cứu của Na Uy, lợi ích của Phố Wall là nguyên nhân để Panama đưa ra các luật thuế Cty. Luật ấy cho phép các Cty khởi nghiệp miễn thuế, không cần đăng ký tên tuổi và thủ tục tối giản hết mức có thể. Dù vậy trong vài thập kỷ sau đó, số tài khoản nước ngoài đăng ký ở Panama cũng chỉ ở mức bình thường. Kể từ năm 1970, khi giá dầu thế giới tăng vọt, con số này tăng lên đáng kể.

Panama – quốc gia chỉ có khoảng 4 triệu dân – nhưng nổi tiếng là “thiên đường trốn thuế”
của thế giới.

Chính sách bảo mật tiền gửi

Panama phê chuẩn luật bảo vệ quyền riêng tư tài chính của các doanh nghiệp và cá nhân với nhiều hình phạt nặng đối với các hành vi vi phạm. Nơi đây cũng ban hành luật bảo mật tiền gửi ngân hàng cực kỳ nghiêm ngặt. Theo đó, tất cả các viện tài chính bị cấm chia sẻ thông tin tài khoản nước ngoài cũng như chủ của tài khoản đó. Họ chỉ được cung cấp thông tin khi có lệnh của tòa án Panama để phục vụ cho một cuộc điều tra hình sự về khủng bố, buôn lậu ma túy hoặc các tội phạm nghiêm trọng khác (không tính tội trốn thuế).

Hơn nữa, Panama không có hiệp định thuế với các nước khác do đó giúp nâng cao tính bảo mật của khách hàng nước ngoài. Quốc gia này cũng không kiểm soát ngoại hối, do đó người chuyển tiền vào và ra khỏi nước này dù với số lượng lớn cũng không cần khai báo. Năm 1982, nhờ một phần cơ hội kinh doanh hấp dẫn từ kênh đào Panama và vùng mậu dịch tự do, hơn 100 ngân hàng quốc tế đặt văn phòng tại thành phố Panama. “Luật pháp như thế thu hút ngày càng nhiều kẻ “ăn bẩn” và các nhà độc tài giấu mọi tài sản tham ô”, nhà báo Ken Silverstein viết trong một bài báo năm 2014 về Cty luật Mossack Fonseca.

Củng cố lại lòng tin

Jolyon Maugham, một luật sư chuyên về thuế, khẳng định: “Không có nơi nào trốn thuế tốt hơn Panama”. Ông nhận định, quốc đảo này tạo ra “một hình thức bảo mật đặc biệt nghiêm ngặt, một loại mù mờ về quyền sở hữu, và một nhóm quản lý tài sản chuyên nghiệp”. Theo Pascal Saint-Amans, Giám đốc trung tâm về chính sách thuế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), từ góc nhìn tai tiếng, nhiều người tin tưởng, Panama là nơi duy nhất để giấu tiền.

Trong những năm gần đây, Panama áp dụng lập trường cứng rắn khi từ chối hợp tác với các đề xuất minh bạch của quốc tế, tổ chức chống trốn thuế Tax Justice Network cho biết. Sau khi “Hồ sơ Panama” rò rỉ, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela cho biết chính phủ sẽ “không khoan nhượng” đối với các hoạt động tài chính bất hợp pháp. Ông Varela hôm 7-4 tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban chuyên gia quốc tế nhằm đưa ra các biện pháp để thúc đẩy tính minh bạch trong ngành Tài chính của quốc gia Trung Mỹ này ở nước ngoài.

Panama đang tìm cách củng cố lại lòng tin đối với ngành Tài chính của đất nước sau vụ rò rỉ tài liệu mật từ Cty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại nước này. Tuy nhiên, nhiều người cho biết, họ không đặt hy vọng nhiều vào sự “không khoan nhượng” này của chính phủ Panama.

Tuệ Khanh
(Theo BBC)