Báo Công An Đà Nẵng

Vì sao phải dạy học tích hợp ?

Thứ bảy, 05/01/2019 11:12

"Dạy học tích hợp" là một trong những điểm khác biệt của Chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mới đây. Lý giải việc sẽ triển khai dạy học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông chia sẻ: Trong tự nhiên và xã hội, mọi sự vật, hiện tượng là một thể thống nhất. Việc chia ra các lĩnh vực khoa học (hay các môn học) là để nghiên cứu sâu sự vật và hiện tượng ở từng phương diện nhất định. Tuy nhiên, khi giải quyết một vấn đề của thực tiễn (tự nhiên hay xã hội) đòi hỏi người xử lý phải có kiến thức tổng hợp thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau.

Mặt khác, kho tàng kiến thức của nhân loại càng ngày càng tăng trong khi thời gian học tập ở nhà trường phổ thông thì có hạn, giáo dục phổ thông cần có giải pháp thích hợp để giải quyết mâu thuẫn này. Chính vì vậy, từ hàng chục năm nay, các nước có nền giáo dục tiên tiến đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có dạy học tích hợp, mức cao nhất là xây dựng các môn học tích hợp. Giải pháp này phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực của người học, bởi vì năng lực là kết quả huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện thành công hoạt động thực tiễn, dạy học tích hợp giúp học sinh rút ngắn quá trình tổng hợp này, đồng thời góp phần "giảm tải" chương trình.

Hiện nay, dạy học tích hợp đã và đang được thực hiện ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu của thế giới, mức độ tích hợp khá đa dạng. Số nước có môn Khoa học tự nhiên (Science) thay cho 3 môn học riêng rẽ là Vật lý, Hóa học và Sinh học ở cấp Trung học cơ sở chiếm tỉ lệ cao trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền giáo dục phát triển như: Anh, Australia, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Thụy Sỹ… Việc tích hợp Lịch sử và Địa lí thành một môn học (Lịch sử và Địa lí hoặc Khoa học xã hội, Nghiên cứu xã hội) không phổ biến như môn Khoa học tự nhiên nhưng cũng đã được thực hiện ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển như Australia, Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Singapore…

Chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam thực hiện dạy học tích hợp theo ba định hướng. Một là, tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau, giữa yêu cầu trang bị kiến thức với việc rèn luyện kỹ năng trong cùng một môn học. Hai là, tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau; ở mức thấp là liên hệ kiến thức được dạy với những kiến thức có liên quan trong dạy học; ở mức cao là xây dựng các môn học tích hợp. Ba là, tích hợp một số chủ đề quan trọng (ví dụ: các chủ đề về chủ quyền quốc gia, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, giáo dục tài chính,…) vào nội dung chương trình nhiều môn học.

V.H