Báo Công An Đà Nẵng

Vì sao Tây Nguyên vẫn là “vùng trũng” về du lịch?

Thứ bảy, 01/08/2015 09:26

(Cadn.com.vn) - Dù có những tiềm năng to lớn, Tây Nguyên vẫn được xem là “vùng trũng” trong phát triển kinh tế du lịch. Tại hội thảo “Liên kết phát triển du lịch vùng Tây Nguyên” do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức đã có nhiều giải pháp được đưa ra để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch vùng Tây Nguyên.

Các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đều thống nhất việc tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, liên kết nội vùng và liên vùng được xem là xu thế tất yếu để thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” ở đây phát triển nhanh và bền vững.

Nguy cơ suy thoái

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, tiềm năng về tài nguyên du lịch của Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng) vô cùng độc đáo và đặc sắc, đa dạng nhưng chưa được khai thác bài bản và hiệu quả; tài nguyên du lịch đang bị suy thoái nhanh. Nguyên nhân là do đầu tư thấp, chưa tới tầm; do quản lý điểm đến thiếu tầm nhìn; xúc tiến, quảng bá chưa tiếp cận được thị trường mục tiêu...

Vì vậy, sản phẩm du lịch vẫn còn đơn điệu, mới tập trung nhiều ở đô thị du lịch Đà Lạt và một số điểm du lịch quen biết như Bản Đôn, Hồ Lắc, Măng Đen, Madagui, Tuyền Lâm... TS Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: “Hiện nhiều tài nguyên du lịch đang có nguy cơ suy thoái và mất đi sức hấp dẫn, đáng lo ngại như hiện tượng cắt khúc làm thủy điện trên sông Sêrêpốk, hiện tượng phá rừng, hủy diệt đàn voi, một số thác không còn nước, thay đổi mất kiểm soát đối với văn hóa bản địa...”.

Mặt khác, việc liên kết để khai thác mọi tiềm năng, lợi thế sẵn có phát triển du lịch giữa các tỉnh trong vùng cũng như với các vùng khác trong cả nước chưa mang lại kết quả như mong muốn. Hoạt động liên kết hầu như mới dừng lại ở hợp tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch của các địa phương, thiếu vắng vai trò của các doanh nghiệp du lịch và Hiệp hội Du lịch.

Hoạt động liên kết chưa dựa trên một chiến lược phát triển du lịch tổng thể của khu vực nên chưa xác định cụ thể sản phẩm nào, dịch vụ nào cần tập trung phát triển chung cho toàn khu vực dẫn đến tình trạng mỗi tỉnh phát triển sản phẩm một cách dàn trải. Hoạt động liên kết “ngoại” vùng, giữa Tây Nguyên với vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, đặc biệt là TPHCM... mới chỉ dừng lại ở từng tỉnh đơn lẻ.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng thừa nhận: “Việc hợp tác phát triển du lịch trong vùng Tây Nguyên và các tỉnh tuy đã ký kết văn bản hợp tác du lịch với nhau, nhưng việc liên kết mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc chứ chưa phát huy được trong thực tế”.

Lễ hội đua voi Buôn Đôn (Đắc Lắc), một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc của Tây Nguyên.

Thúc đẩy phát triển bền vững

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2162/QĐ-TTg ngày 11-11-2013. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 thu hút khoảng 800 nghìn lượt khách quốc tế, 3,9 triệu lượt khách du lịch nội địa với tổng thu du lịch trên 11 nghìn tỷ đồng; đến năm 2030 thu hút khoảng 1,8 triệu lượt khách quốc tế, 6,8 triệu lượt khách du lịch nội địa với tổng thu du lịch đạt hơn 26 nghìn tỷ đồng...

* Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định: Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hình thành được sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng một cách toàn diện, đồng bộ; xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, có thương hiệu và đến năm 2030, du lịch Tây Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; đóng góp tích cực vào xóa đói giảm nghèo của vùng.

Để đạt được các mục tiêu trên thực sự là thách thức không nhỏ với du lịch Tây Nguyên, bởi từ nay đến năm 2020 không còn xa, trong khi đó phát triển du lịch vùng Tây Nguyên vẫn chưa có được sự bứt phá mạnh mẽ... TS  Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng, thực tế hoạt động liên kết phát triển du lịch ở nhiều vùng, địa phương trong những năm qua cho thấy, tầm quan trọng của việc có được đề án liên kết phát triển du lịch chung cho vùng Tây Nguyên.

Đây là cơ sở để triển khai các nội dung liên kết và hợp tác. Đề án cần được xây dựng trên cơ sở Chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch quốc gia; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án cần chỉ ra được (hoặc có kế hoạch nghiên cứu) những sản phẩm du lịch nào, những hoạt động xúc tiến quảng bá nào cần hợp tác đầu tư phát triển; xác định đâu là thương hiệu và các sản phẩm du lịch mang bản sắc của vùng.

Trong khuôn khổ liên kết, hợp tác du lịch giữa vùng Tây Nguyên với các vùng phụ cận cũng cần quan tâm đến “Con đường di sản miền Trung”. Đây là tuyến du lịch hết sức đặc sắc, được nối hầu hết các di sản thế giới của Việt Nam trên một tuyến du lịch thống nhất. Đặc biệt hơn nữa, Tây Nguyên có di sản thế giới “Cồng chiêng Tây Nguyên”, do vậy trong mối liên kết và hợp tác này, “Con đường di sản miền Trung” sẽ được kết nối với “Cồng chiêng Tây Nguyên”, “Con đường Xanh Tây Nguyên” để tạo thành một tuyến du lịch văn hóa đặc sắc nhất Việt Nam, có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Với tiềm năng sẵn có, việc liên kết giữa các địa phương trong vùng có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, liên kết ở đây không đơn giản chỉ là kết nối các điểm đến mà phải tạo ra sự liên kết toàn diện, ở nhiều cấp độ hình thức và nội dung, cụ thể là liên kết trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực; quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch; xây dựng điểm, tuyến du lịch và thương hiệu điểm đến; xây dựng các sản phẩm; điều tiết và cung ứng các dịch vụ, sản phẩm du lịch; tổ chức quản lý du lịch và xây dựng hành lang pháp lý cho du lịch phát triển...

Để việc liên kết, hợp tác đạt hiệu quả cao, các chuyên gia cho rằng sự cần thiết phải thành lập Ban Điều phối liên kết phát triển du lịch vùng để chỉ đạo công tác quản lý, tổ chức, liên kết hợp tác trong phát triển du lịch toàn vùng. Đây là vấn đề đang được các địa phương trong vùng và các doanh nghiệp du lịch rất quan tâm để tạo bước đột phá trong hoạt động liên kết phát triển du lịch vùng, thúc đẩy quá trình liên kết, hợp tác, đem lại hiệu quả thực sự cho phát triển du lịch vùng Tây Nguyên.

T.T – A.D