Báo Công An Đà Nẵng

Vì sao thi hành án lĩnh vực tín dụng, ngân hàng còn nhiều hạn chế?

Thứ ba, 14/07/2015 08:30

(Cadn.com.vn) - Tại hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự (THADS) 6 tháng đầu năm 2015 do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây đã nêu lên một thực tế: Kết quả tổ chức THA liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng còn thấp. Theo đó, hiện số vụ việc phải thi hành cho các tổ chức tín, dụng ngân hàng đã được cơ quan THADS kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản nhưng chưa bán được còn rất lớn. Do đó, mục tiêu được đặt ra là Cơ quan THADS các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ, nâng cao kết quả THA đối với lĩnh vực này. 

Thị trường bất động sản... bất động kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện THA
của người phải THA.

Bất động sản... bất động

Theo thống kê của Tổng cục THADS, 6 tháng đầu năm 2015, các cơ quan THADS trong cả nước đã đưa ra thi hành 15.104 vụ việc mà người được thi hành là tổ chức tín dụng, ngân hàng, với số tiền phải thi hành hơn 54.355 tỷ đồng; các địa phương đã tổ chức thi hành xong 1.444 việc và thu hơn 10.993,8 tỷ đồng. Hiện nay, cơ quan THA còn phải thi hành cho các tổ chức tín dụng 13.660 việc tương ứng với số tiền hơn 43.361,6 tỷ đồng. Trong đó, thi hành cho một số ngân hàng thương mại lớn như: Ngân hàng NN&PTNT là 3.325 việc (hơn 7.824 tỷ đồng,) Ngân hàng Công thương Việt Nam là 1.311 việc (hơn 4.829 tỷ đồng); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là 886 việc (hơn 3.708 tỷ đồng)... Điều đó cho thấy, dù kết quả tổ chức THA đã có sự chuyển biến tốt hơn về thu hồi tín dụng, ngân hàng song vẫn còn thấp so với kết quả THA chung.

Sở dĩ kết quả THA liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng còn "hạn chế" là vì thị trường bất động sản "đóng băng" kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện THA của người phải THA và tính thanh khoản của thị trường, nhất là thị trường bất động sản. Toàn quốc hiện có tới 4.937 việc, tương ứng với số tiền là hơn 19.039,8 tỷ đồng (chiếm 34,28% về việc và 38,85% về tiền trên tổng số việc, tiền phải thi hành cho các tổ chức tín dụng ngân hàng) đã được cơ quan THADS kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản nhưng chưa bán được. Trong số đó, có rất nhiều tài sản đã được giảm nhiều lần (có trường hợp giảm tới 30 lần) nhưng vẫn không bán được để THA cho ngân hàng.

Tồn đọng do... "nhân tai"

Trong các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, thông thường người THA đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản nên họ cố tình chống đối việc thi hành bằng nhiều cách. Nhiều trường hợp, người phải THA lại cố tình khiếu nại, khiếu nại vượt cấp; một số vụ việc đã qua nhiều cấp, nhiều lần giải quyết đúng pháp luật, nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại nhằm mục đích kéo dài việc THA, gây cản trở cho việc tổ chức THA... Hay như, trong quá trình tiến hành thẩm định, cho vay có nhưng cán bộ ngân hàng đã không thực hiện đúng quy trình, quy định, không xác định hiện trạng tài sản, không thẩm định nguồn gốc, giá trị tài sản hoặc tình trạng một tài sản được thế chấp cho nhiều nơi... nên việc xử lý tài sản thế chấp gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác THADS.

Bên cạnh đó, do trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận Chấp hành viên (CHV) chưa đáp ứng yêu cầu nên nhận thức và áp dụng pháp luật chưa chính xác dẫn đến nhiều vụ việc dù người phải THA có điều kiện THA nhưng việc thi hành vẫn bị chậm trễ. Hiện tượng này có thể nói là khá phổ biến, có nhiều trường hợp cơ quan THA ra quyết định THA từ năm 2012 đến nay vẫn chỉ dừng ở mức đang xác minh tài sản mà không kịp thời có biện pháp kê biên xử lý tài sản... Một số bản án, quyết định đã được tòa tuyên rõ ràng, đúng pháp luật nhưng CHV không nghiên cứu đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan nên đưa vào dạng án tuyên không rõ, có sai sót khó thi hành, không tiến hành xác minh, xử lý tài sản của người phải THA hoặc tài sản do bên thứ ba bảo lãnh để thi hành dứt điểm vụ việc; không thực hiện đúng hợp đồng bán đấu giá tài sản đã để người mua nộp tiền vào tài khoản của tổ chức bán đấu giá dẫn đến thất thoát...

Xử lý nghiêm những cán bộ có hành vi nhũng nhiễu

Để giải quyết các khó khăn vướng mắc nhằm nâng cao tỷ lệ kết quả THA cho tổ chức tín dụng, ngân hàng trong thời gian đến, Bộ Tư pháp yêu cầu các cơ quan THADS địa phương cần quán triệt đến toàn thể công chức làm công tác THADS trên địa bàn về Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp, chủ động phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước để xem xét thực hiện việc ký quy chế phối hợp trong công tác THADS. Riêng các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có số lượng việc THA liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng lớn thì bắt buộc phải ký quy chế phối hợp kịp thời. Đồng thời, tăng cường công tác rà soát, phân loại các việc THA liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng. Đối với các vụ việc có điều kiện THA phải chỉ đạo CHV và Chi cục tổ chức THA dứt điểm. Đặc biệt, xử lý nghiêm những cán bộ, CHV có hành vi nhũng nhiễu, cố tình kéo dài thời gian THA, không xử lý tài sản theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan THADS trong việc rà soát và tổ chức THA, cung cấp đầy đủ các thông tin và tài liệu liên quan đến tài sản thế chấp để việc xử lý tài sản được nhanh chóng, đảm bảo đúng quy định pháp luật; kịp thời phản ánh các khó khăn vướng mắc để được hướng dẫn giải quyết.

T.Dũng