Vì sao trả hồ sơ vụ án Trần Phương Bình?
Sau 2 tuần xét xử và nghị án, chiều 13-7, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên trả hồ sơ vụ án Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á – DAB) và 11 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỉ đồng.
Ông Trần Phương Bình |
Hội đồng xét xử cho rằng, có một số chứng cứ không thể làm rõ trong quá trình xét xử tại tòa nên tuyên trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung. Cụ thể, theo Hội đồng xét xử, đối với sai phạm của Trần Phương Bình và đồng phạm trong việc cho nhóm khách hàng Công ty Hiệp Phú Gia và Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh (gọi tắt là nhóm TTC – do Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo điều hành với 11 tổ chức và 16 cá nhân) hiện chưa lấy được lời khai làm rõ vai trò của Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thái Thịnh – TTC, đã bỏ trốn) trong vụ án.
Việc “chỉ tách hành vi của Nguyễn Thiện Nhân và các đối tượng liên quan để xem xét xử lý sau và truy tố bị cáo Trần Phương Bình và các cán bộ ngân hàng DAB, buộc chịu trách nhiệm dân sự và giành quyền khởi kiện về dân sự đối với các cá nhân liên quan đến khoản vay của nhóm TTC” khiến vụ án không được xem xét một cách toàn diện, đầy đủ, ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bị cáo và các tổ chức, cá nhân liên quan. Do vậy, Hội đồng xét xử đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tách toàn bộ hành vi sai phạm của Trần Phương Bình và đồng phạm liên quan đến khoản vay này (gây thiệt hại hơn 3.139 tỉ đồng) ra để điều tra bổ sung.
Vụ án này được xem lại giai đoạn 2 của vụ án kinh tế xảy ra tại DAB. Trần Phương Bình và các đồng phạm là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB bị lỗ lũy kế 31.076 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu bị âm 25.451 tỉ đồng và tổng tài sản thực của ngân hàng chỉ còn 47.011 tỉ đồng. Ở giai đoạn 1 của vụ án, Trần Phương Bình và 25 đồng phạm đã có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái quy định gây thiệt hại cho DAB 3.608 tỉ đồng và Trần Phương Bình đã phải nhận mức án chung thân.
Trong vụ án này, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, bị cáo Trần Phương Bình là chủ mưu của vụ án, là người chỉ đạo các bị cáo trong vụ án và các đối tượng liên quan thực hiện các hành vi phạm tội xuyên suốt toàn bộ vụ án.
Trong khoảng thời gian từ năm 2007 – 2013, Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị cáo trong vụ án và các đối tượng liên quan thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỉ đồng. Trong đó, riêng việc cho 4 nhóm khách hàng gồm các Công ty Hiệp Phú Gia và Công ty Thái Thịnh (gọi tắt là nhóm TTC), Đồng Tiến, nhóm M&C, Tân Vạn Hưng vay, gây thiệt hại cho ngân hàng 8.751 tỉ đồng. Bị cáo Bình đã bàn bạc với các nhóm khách hàng gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thái Thịnh (TTC) Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty M&C Phùng Ngọc Khánh... để dùng nhiều pháp nhân vay tiền của DAB.
Ngoài ra, Trần Phương Bình đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 75,6 tỉ đồng, khi nhờ một số cá nhân đứng tên vay tiền tại DAB rồi chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu, nộp khống, chiếm đoạt của DAB số tiền này nhằm trả các khoản nợ. Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình mức án chung thân về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Đối với bị cáo Phùng Ngọc Khánh, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo đã bàn bạc, thông đồng với Trần Phương Bình trong việc cho vay sai quy định với nhóm khách hàng M&C. Bị cáo Khánh đã giúp sức tích cực cho Trần Phương Bình trong việc tạo lập hồ sơ khống, dùng pháp nhân của nhiều công ty không đủ điều kiện vay vốn đứng tên vay vốn, gây thiệt hại cho DAB hơn 3.949 tỉ đồng.
Nhận định vai trò của bị cáo này chỉ sau Trần Phương Bình trong vụ án, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phùng Ngọc Khánh mức án từ 18 - 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, đồng thời bồi thường số tiền hơn 3.949 tỉ đồng cho DAB.
Đối với 10 bị cáo còn lại là các cán bộ ngân hàng DAB, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án tương xứng với vai trò, hành vi phạm tội của từng bị cáo, với mức án từ thấp nhất là 2-3 năm tù treo đến cao nhất 7-8 năm tù giam, cùng về tội danh trên.
Về xử lý tài sản kê biên, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục giao quyền quản lý 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Thành phố Hồ Chí Minh cho DAB, quản lý 11 tài sản đang thế chấp tại DAB của các cá nhân liên quan; đề nghị tiếp tục kê biên đối với các tài sản mà Trần Phương Bình và các đối tượng liên quan đã cầm cố, thế chấp tại DAB để đảm bảo khoản vay cho Công ty Hiệp Phú Gia và tiếp tục phong tỏa các giao dịch chuyển nhượng đối với 5 bất động sản để đảm bảo nghĩa vụ dân sự cho nhóm khách hàng Tân Vạn Hưng. Đối với 250 tỉ đồng mà Công ty Ba Son đã nộp lại ngày 17-4, Viện kiểm sát đề nghị tiếp tục tạm giữ để đảm bảo trách nhiệm thi hành án của bị cáo Trần Phương Bình.
HÀ CHUNG