Vì sao Trung Quốc cần mua tiêm kích Su-35 của Nga?
(Cadn.com.vn) - Theo giới phân tích, Trung Quốc quyết tâm mua bằng được Su-35 của Nga cho dù giá cắt cổ. Giới phân tích đánh giá mục đích không phải là mua vũ khí đơn thuần, mà quan trọng là sao chép công nghệ nhằm hiện đại các loại máy bay “Made in China”(?).
Nhập ngoại để ganh đua với thế giới?
Tháng 4-2014, hãng sản xuất máy bay Thẩm Dương Trung Quốc (SAC) khiến người ta ngạc nhiên khi thử nghiệm chiến đấu cơ J-11D, phiên bản nâng cấp của dòng máy bay J-11, “sao chép” tiêm kích Su-27 của Nga.
Cũng trong thời gian này, Trung Quốc vẫn mặn mà mua Su-35 Flanker hiện đại của Nga vì Su-35 có nhiều tính năng ưu việt hơn J-11. Tuy nhiên, Su-35 lại có hệ thống radar dải quét điện tử bị động nên không mạnh bằng hệ AESSA của J-11D. Nhưng muốn có Su-35 thì phải nhập ngoại chứ không thể chế tạo được nên Trung Quốc quyết định mua máy bay Nga.
Sự thật, việc Bắc Kinh mua Su-35 không phải vì giá trị của hệ thống vũ khí đơn thuần, mà là để lấy động cơ phản lực AL-117S. Đây là bộ phận cực kỳ quan trọng của mọi máy bay chiến đấu. Việc mua Su-35 để lấy động cơ không chỉ giúp Trung Quốc hiện đại hóa quân đội mà giúp thúc đẩy ngành công nghiệp hàng không, để không kém bất kỳ quốc gia nào khác.
Bắc Kinh nỗ lực cho ra đời các thế hệ máy bay chiến đấu thế hệ 5 như Chengdu J-20 và Shenyang J-31 để cạnh tranh với Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng sản xuất động cơ của Trung Quốc còn kém xa các nước công nghiệp phát triển. Thực tế, cả J-20 lẫn J-31 đều là những thiết bị khổng lồ khập khiễng.
Động cơ AL-117S của Su-35. |
Mua vũ khí hay sao chép công nghệ ?
Từ lâu không quân Trung Quốc phải lệ thuộc vào các động cơ do Nga cung cấp, nhưng các loại động cơ nhập ngoại lại rất lạc hậu.
Chẳng hạn, các loại máy bay thử nghiệm thế hệ 5 như J-20 và J-31 vẫn đang phải dùng động cơ thế hệ cũ như Saturn AL-31 hay Klimov RD-93… Theo giới phân tích, cả hai loại máy bay này đang gặp phải những hạn chế khi tác chiến, tất cả đều có nguồn gốc từ động cơ. Ví dụ, J-20 phải dùng động cơ AL-31 nên không thể thực hiện các chuyến bay tầm xa, trong khi đó máy bay F-22 Raptor của Mỹ lại thực hiện điều này ngon lành.
Các hãng sản xuất máy bay của Trung Quốc có 2 lựa chọn, một là mua động cơ mới từ Nga hoặc tự sản xuất lấy động cơ. Theo giới phân tích Nga, dường như Trung Quốc nghiêng về sự lựa chọn thứ hai, coi việc chế tạo động cơ là nhiệm vụ trọng tâm của ngành hàng không giống như Mỹ những năm đầu 1960. Nhưng nhiệm vụ này không đơn giản, cả về thiết kế lẫn vật liệu, độ bền nên người Mỹ ví nhiệm vụ nói trên không khác gì “gót chân Achilles”.
Chính sự thể này mà ngành hàng không Trung Quốc tụt hậu, nhất là thiết kế khung sườn và hệ thống cảm biến. Hiện nay hầu hết động cơ Trung Quốc sản xuất đều trang bị cho máy bay chiến đấu như WS-10, J-11 và J-16. Tuy nhiên, sau thời gian dài phát triển và nâng cấp, WS-10 vẫn bộc lộ nhiều mặt yếu kém. Do động cơ WS-10 quá yếu nên từ năm 2011, không quân Trung Quốc quyết định dùng động cơ AL-31 của Nga để thay cho các thế hệ chiến đấu cơ của các máy bay dòng J-10B.
Vì vậy, phương án mua tiêm kích Su-35 không chỉ giúp Trung Quốc có được một phiên bản tiên tiến, mà còn giúp nước này có cơ hội nâng cấp động cơ WS-10 để dùng cho các máy bay J-20 thế hệ mới. Trung Quốc vốn được xem là bậc thầy, trong thủ thuật sao chép công nghệ như thế này.
Khi các chương trình sản xuất trong nước còn mập mờ, giới phân tích cho rằng, việc mua Su-35 của Nga là cách làm nhanh nhất để Trung Quốc có động cơ phù hợp cho J-20. Chính điều này, việc Nga từ chối bán động cơ như là một sản phẩm độc lập là điều dễ hiểu, bởi nó là một phần của một hệ thống vũ khí hoàn chỉnh. Sau một loạt các cuộc đàm phán thất bại, cuối cùng thỏa thuận mua 24 tiêm kích Su-35 của Nga đến giai đoạn kết thúc, các phi công Trung Quốc hiện đang được đào tạo để phục vụ cho đợt giao hàng đầu tiên dự kiến thực hiện vào năm 2016 sắp tới.
Kim Hùng
(Theo Diplomat)