Báo Công An Đà Nẵng

Vì sao Trung Quốc cần Mỹ ở Afghanistan?

Thứ năm, 27/03/2014 10:23

(Cadn.com.vn) - Trung Quốc đang ấp ủ kế hoạch lớn về thúc đẩy kinh tế và ngoại giao về phía Tây, được minh chứng qua sự nổi lên của “Con đường tơ lụa vành đai kinh tế” và “Con đường tơ lụa Hàng hải” vào cuối năm ngoái.

Có thể thấy rằng, kế hoạch này là một phần công cụ chính sách đối ngoại để giúp Bắc Kinh gần hơn với Nam Á, Trung Á, và các quốc gia vùng Vịnh, bao gồm cả Saudi Arabia. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng bao gồm cả vấn đề đối nội quan trọng, trong đó Trung Quốc hy vọng sẽ làm cho tỉnh phía Tây bất ổn Tân Cương, thành trung tâm kinh tế, và (có lẽ) là để giảm những vụ bạo lực bắt nguồn từ những người dân gốc Duy Ngô Nhĩ.

Nhưng mối quan tâm mới của nền kinh tế lớn nhất Châu Á tại các nước láng giềng phía Tây đến vào thời điểm nhạy cảm khi tình hình an ninh tại Afghanistan không phải là bức tranh màu hồng. Quân đội Mỹ và NATO dự kiến sẽ rút khỏi quốc gia Nam Á này vào năm 2014. Trong khi đó, Tổng thống Hamid Karzai vẫn từ chối ký Hiệp định An ninh song phương (BSA), theo đó sẽ cho phép quân đội Mỹ ở lại Afghanistan sau năm 2014.

Theo Diplomat, Lầu Năm Góc thậm chí còn xem xét “Lựa chọn zero” – phương án dẫn đến việc không còn lực lượng Mỹ nào hiện diện tại quốc gia Nam Á này sau năm 2014. Các quan chức Mỹ, trong đó có Tổng Tư lệnh Joseph F. Dunford Jr, chỉ huy hàng đầu của Mỹ tại Afghanistan, không lạc quan về khả năng Kabul có khả năng chống lại sự trỗi dậy của Taliban.

Sự hỗn loạn ở Afghanistan, đặc biệt là khi Al-Qaeda hoặc các nhóm khủng bố cực đoan khác quay trở lại, sẽ là một đòn giáng mạnh vào Mỹ, nhưng cũng sẽ là thảm họa đối với Trung Quốc. Các phần trong kế hoạch kinh tế mới của gã khổng lồ Châu Á (đặc biệt là hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan) có thể sẽ bị ảnh hưởng vì mối lo an ninh.

Khả năng chính phủ Afghanistan (dự kiến sẽ bầu một tổng thống mới vào tháng 4 tới) sụp đổ sau khi Mỹ và NATO rút quân đặt ra mối đe dọa cho “Con đường tơ lụa vành đai kinh tế”. Tệ hơn nữa, Bắc Kinh lo lắng bất ổn ở Afghanistan (và cả Pakistan) sẽ tạo bàn đạp cho các nhóm khủng bố đang tìm cách chia rẽ Tân Cương khỏi phần còn lại của nước này.

Trong phiên họp Quốc hội vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, Bắc Kinh sẽ “làm việc với Afghanistan và nước láng giềng khác, kiên quyết chống lại tất cả các lực lượng khủng bố” vì hòa bình và sự ổn định của Afghanistan ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trong khu vực phía Tây của Trung Quốc.

Trong động thái chứng tỏ những nỗ lực “giúp đảm bảo hòa bình và ổn định ở Afghanisan và trong khu vực”, Trung Quốc có kế hoạch tổ chức một Hội nghị Bộ trưởng về Tiến trình Istanbul ở Afghanistan sau năm 2014. Tiến trình Istanbul là cuộc đối thoại khu vực nhằm thúc đẩy sự tin tưởng và hợp tác giữa Afghanistan và các nước trong khu vực.

Bên cạnh Afghanistan và Trung Quốc, những nước tham gia còn có Azerbaijan, Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Nga, Saudi Arabia, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan và Các tiểu vương quốc Arab Thống  nhất (UAE). Mỹ đến đây với tư cách “quốc gia hỗ trợ”, cùng với Australia, Nhật Bản, Canada và Liên minh Châu Âu (EU).

Cuối cùng, bất chấp mối quan tâm sâu sắc của Trung Quốc về tương lai của Afghanistan và an ninh khu vực, Bắc Kinh sẽ không thay thế Mỹ để hiện diện quân sự tại đây. Hiện vẫn còn câu hỏi mở: liệu lực lượng an ninh Afghanistan có thể tự đứng trên đôi chân của mình để đối mặt với các mối đe dọa từ Taliban và những kẻ cực đoan nhóm hay không. Trớ trêu thay, sau đó, bất chấp mối quan tâm về sức ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc vẫn được hưởng lợi từ BSA, nếu có thể được ký kết.

Kế hoạch hướng Tây của Trung Quốc cần sự ổn định, hiệu quả,có nghĩa là Bắc Kinh cần hòa bình lâu dài ở Afghanistan, “con cờ” vốn nằm trong  tay Mỹ.

Thanh Văn