Vì sao xây trạm trung chuyển rác cạnh công viên?
Trạm trung chuyển rác có tổng vốn đầu tư khoảng 172 tỷ đồng sẽ được Đà Nẵng xây dựng trên khu đất 3.000m2 cạnh chợ đầu mối Hòa Cường và công viên Thanh Niên. Một số ý kiến tỏ ra lo lắng trước nguy cơ hình thành điểm gây ô nhiễm mới, song lãnh đạo đơn vị chức năng thành phố cho rằng đây là dự án cần thiết để giải quyết các vấn đề bất cập về công tác thu gom rác hiện nay.
Trạm trung chuyển rác được xây dựng ngay cạnh công viên Thanh Niên. |
Trạm trung chuyển rác gồm các hạng mục cơ bản như: trạm nén rác, nhà điều hành; nhà xưởng, thiết bị phục vụ trung chuyển rác và xử lý rác thải cồng kềnh; các hạng mục bảo vệ môi trường như thu gom, xử lý khí thải, nước thải… Quy mô của dự án đạt công suất hoạt động 485 tấn rác thải/ngày, đảm bảo về mặt môi trường, khí thải, nước thải phát sinh không gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh. Ngoài ra, trạm trung chuyển rác này cũng làm cơ sở để xem xét, đầu tư thêm các trạm trung chuyển khác tại các vị trí phù hợp nhằm đồng bộ và hoàn thiện mạng lưới thu gom rác thải trên địa bàn toàn TP.
Ông Trần Văn Tiên- Phó Tổng giám đốc Cty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng cho biết, việc thu gom rác trước đây của TP theo hình thức đặt thùng, toàn TP đặt 5.000 thùng. Rác từ các kiệt hẻm sẽ thu gom bằng xe ba gác đưa ra đường lớn để xe gắp vận chuyển đi. Hình thức thu gom này dẫn tới việc TP toàn thùng rác, xe gắp hoạt động liên tục, cản trở giao thông, mất mỹ quan. Từ đó, việc thu gom rác chuyển dần sang hình thức đặt thùng theo giờ (từ 14 giờ chiều, tối xe sẽ gắp đi). Ưu điểm của cách này là không để thùng rác trên phố thường xuyên, nhưng lại hình thành các điểm tập kết nhiều thùng rác, có thời điểm cả TP từ 400-500 điểm. Hiện lượng ô-tô của Đà Nẵng rất lớn, đậu đỗ nhiều trên đường, xe rác khó tiếp cận các điểm tập kết thùng rác để gắp đi, gây ách tắc giao thông. Cũng theo ông Tiên, hiện mỗi ngày TP phải thu gom khoảng 1.050 tấn rác, trong đó 600 tấn từ các kiệt hẻm. Để không đặt thùng thì phải thu gom trực tiếp, đến giờ nhất định người dân phải mang rác ra đổ. Tuy nhiên, nhiều người dân do không chờ được đến giờ, đưa hết rác ra vỉa hè đổ, dẫn tới mất mỹ quan. Chưa kể, tại các điểm tập kết thùng rác, người dân cứ thấy có thùng rác là đem rác ra đổ. Trong khi đó tại nhiều điểm tập kết thùng rác như Sơn Trà phải vài giờ sau khi tập kết thì xe gắp mới quay vòng trở về vận chuyển đi, do khoảng cách tới bãi rác Khánh Sơn khá xa…
Từ thực tế đó, ông Tiên cho biết cần thiết phải xây dựng các trạm trung chuyển rác quy mô tại khu vực đông dân cư như trên đường Lê Thanh Nghị. Khi có các trạm trung chuyển sẽ xóa các điểm tập kết, gắp thùng trên đường phố. Cụ thể, trong các kiệt hẻm, xe cơ giới 1 tấn sẽ vào thu gom trực tiếp trở về trạm. Ngoài đường lớn, xe gắp cũng thu gom trực tiếp trở về trạm trong cự ly khoảng cách từ 7-10km. Vì khoảng cách gần, xe sẽ quay vòng nhanh, thời gian giải phóng các điểm tập kết thùng rác ngắn, thay vì vài giờ đồng hồ khi phải đi lên bãi rác như hiện nay. Hiện toàn TP có 40 xe rác chạy thẳng về bãi rác Khánh Sơn.
Theo thiết kế, trạm trung chuyển rác Lê Thanh Nghị có công suất 485 tấn/ngày, gần bằng nửa tổng số lượng rác phát sinh trên địa bàn TP mỗi ngày. Cụ thể trạm sẽ thu gom từ khu vực phía nam Q. Hải Châu 240 tấn/ngày, Sơn Trà 170 tấn/ngày, Ngũ Hành Sơn 100 tấn/ngày và Cẩm Lệ khoảng 50 tấn/ngày. Sau khi thu gom rác về trạm sẽ sử dụng công nghệ của Hà Lan ép kín rác, có hệ thống thu gom nước rỉ riêng và vận chuyển bằng 4 xe container cỡ lớn, mỗi xe 20 tấn lên bãi rác Khánh Sơn.
Khi trạm trung chuyển rác hoạt động, giao thông khu vực cổng chợ đầu mối Hòa Cường sẽ trở nên phức tạp. |
Được biết, hiện nay lượng rác được thu gom thông qua giải pháp trung chuyển hiện khá thấp, khoảng 60 tần/ngày cho 4 trạm. Các trạm trung chuyển không được đầu tư các giải pháp bảo vệ môi trường một cách bài bản dẫn đến ảnh hưởng sinh hoạt của các hộ dân sinh sống xung quanh trạm. Tuy nhiên ở trạm Lê Thanh Nghị, do công nghệ ép kín, ép đứng, có hệ thống thu gom nước rỉ riêng, hệ thống hút mùi hiện đại giảm triệt để mùi hôi ra môi trường xung quanh.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng vị trí xây trạm trung chuyển rác cạnh công viên Thanh Niên và chợ đầu mối Hòa Cường là khá “nhạy cảm”. Bởi lẽ, khi rác tập kết, trong quá trình xử lý sẽ ít nhiều phát sinh mùi hôi, lại nằm ngay cạnh công viên vui chơi, giải trí, tập thể dục của người dân. Chưa kể, khu vực đường Lê Thanh Nghị bình thường xe chở nông sản, hàng hóa về chợ đầu mối đã quá tải, phức tạp về giao thông, nay lại thêm xe rác ra vào liên tục, nguy cơ xung đột giao thông càng tăng. Theo ông Tiên, trong quy hoạch chợ đầu mối Hòa Cường sẽ chuyển đi nơi khác, phương án giao thông vào trạm cũng được tính đến chứ không chỉ riêng đường Lê Thanh Nghị. Đặc biệt, với công nghệ tiên tiến, trạm trung chuyển lại được thiết kế theo mô hình như một công viên, tầng trên mái là thảm cỏ xanh, không ai nghĩ bên dưới sẽ là trạm trung chuyển rác. Công nghệ và mô hình trạm trung chuyển đã được TP nghiên cứu từ một số nước phát triển.
Theo quy hoạch, TP Đà Nẵng dự kiến sẽ phát triển thêm trạm trung chuyển rác tại Thọ Quang (Q. Sơn Trà, công suất khoảng 150 tấn/ngày), tại đường Trần Nam Trung (Hòa Xuân, khu vực gần trạm xử lý nước thải, công suất 150 tấn/ngày). Dự kiến tới năm 2030, toàn TP sẽ thu gom 1.500 tấn rác thải/ngày, trong đó hơn một nửa sẽ qua các trạm trung chuyển.
HẢI QUỲNH