Vị tướng hậu cần Đoàn Y Thanh
(Cadn.com.vn) - Thiếu tướng Đoàn Y Thanh, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 đã từ trần ngày 9-8-2016 để lại bao thương tiếc trong lòng CBCS và nhân dân trên địa bàn. 91 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, vị tướng giàu nghĩa tình này đã dành gần như cả cuộc đời cho công tác hậu cần Quân khu 5 trong chiến tranh và sau ngày giải phóng. Ông có công lớn trong xây dựng đập Đắc Uy (Đắc Hà, Kon Tum), góp phần đem lại no ấm cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Nghĩa tình trong chiến tranh
Thiếu tướng Đoàn Y Thanh quê Bình Dương, Bình Sơn (Quảng Ngãi) tên thật là Đoàn Xảo. Theo đồng đội ông kể lại, thời chống Pháp, một lần đến làng đồng bào làm công tác vận động quần chúng, một già làng ở đây nói rằng: "Hồi hôm tao vừa chiêm bao thấy thằng Y Thanh (người quen ông lão) thì mày đến. Mày giống nó quá!". Vậy là ông đổi tên là Đoàn Y Thanh đến nay. Điều đó mới thấy ông gắn bó với nhân dân đến mức nào. Thuở nhỏ, ông được gia đình cho đi học, trong đó có học tiếng Pháp, là học trò của nhà thơ Tế Hanh trước khởi nghĩa Tháng 8-1945 nên ông có nền tảng văn hóa sâu sắc. Lòng thương người như thể thương thân của ông bắt đầu từ nếp nhà gia giáo, từ làng quê nghèo mà nhân nghĩa, từ những tác phẩm văn học mà ông rất mê say đã theo ông đi suốt cuộc đời.
Đoàn trưởng Đoàn 331 Đoàn Y Thanh hộ tống Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
CCB Đại tá Huỳnh Phương Bá là người gắn bó với Thiếu tướng Đoàn Y Thanh kể lại: "Đó là người chỉ huy luôn nghĩ đến cấp dưới. Đi tập kết rồi vào lại Nam, năm 1963, anh Thanh giữ cương vị Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Ngãi, còn tôi làm trợ lý tổ chức. Thời điểm này địch đánh phá ác liệt. Bộ đội rất đói. Một lần anh ấy đi công tác về và gọi cán bộ đến, đổ từ trong ba lô ra một gùi khoai lang thật to. Hôm đó mọi người được bữa no. Khi được biết khoai này trên đường đi, anh ấy vào làng xin cho anh em, chúng tôi càng cảm động. Lại có lần bếp ăn của Ban Tham mưu-chính trị nuôi được hai con vịt để dành Tết, nhưng thấy đơn vị đặc công mới từ Bắc vào ăn uống kham khổ quá, anh bàn với cơ quan Tỉnh đội tặng một con vịt cho bạn. Mọi người tuy có "quyến luyến" của để dành nhưng vẫn vui vẻ nhường nhịn. Còn đồng chí chỉ huy đặc công khỏi phải nói mừng đến mức nào. Có lần tôi và anh ấy đi công tác ghé một đại đội. Vì quý Chính trị viên nên họ nấu một lon gạo. Anh ấy bắt chỉ huy nói thật tình hình lương thực. Khi biết cả bếp chỉ còn vài lon gạo cho cả đại đội, anh ấy chỉ ăn một tí còn để lại cho anh em". Chính vì thấu hiểu đời sống bộ đội nên khi được phân công làm Phó Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu 5 rồi phụ trách hậu cần chiến dịch, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng xây dựng nền hậu cần Quân khu vững chắc, góp phần đánh Mỹ thắng lợi. Ông tham mưu cho Bộ Tư lệnh Quân khu và trực tiếp tổ chức ngành hậu cần thành một thế trận liên hoàn, rộng lớn, phục vụ chiến đấu. Hậu cần Quân khu lúc bấy giờ lúc cao nhất có đến 18 tiểu đoàn sản xuất chuyên nghiệp. Đặc biệt năm 1972, khi tổ chức chiến dịch nam Quảng Ngãi, Quân khu đã có trong tay hàng ngàn tấn gạo. Đó là chiến công lớn chưa từng có lúc bấy giờ. Nhờ vậy mà bộ đội của chúng ta đã ăn no, đánh thắng.
Thiếu tướng Đoàn Y Thanh. |
Đập Đắc Uy in bóng người Đoàn trưởng
Nói về nhân dân, Thiếu tướng Đoàn Y Thanh luôn dành tình cảm sâu đậm nhất. Ông kể về sự hy sinh cao cả của đồng bào vùng tạm chiếm đã vì bộ đội mà có trăm phương ngàn kế thu mua, cất giấu lương thực, nhiều khi phải hy sinh cả tính mạng. Không ít gùi gạo, muối vào trong kho còn dính máu người vận chuyển. Sau chiến tranh, đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào Tây Nguyên vẫn còn rất khổ cực, thiếu ăn. Đại tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5, chỉ đạo toàn Quân khu phải làm kinh tế, đem lại no ấm cho vùng đất này. Ông Đoàn Y Thanh được chỉ định làm Đoàn trưởng Đoàn 331. Đơn vị của ông có nhiệm vụ phối hợp với đoàn kinh tế khác xây dựng đập chứa nước Đắc Uy. Lời dặn của Đại tướng: "Cậu làm hậu cần nay chuyển qua kinh tế chắc nhanh. Cố lên nhé!" cứ theo ông mãi. Vậy là những năm đó ông ăn nghỉ trên công trường, chỉ đạo lực lượng chủ công hàng ngàn người và hàng trăm phương tiện cơ giới làm nên kỳ tích Đắc Uy có sức tưới khoảng 2.500ha cây trồng, tạo nguồn nước sinh hoạt cho hơn 6 vạn dân. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm Đắc Uy, nghe Đoàn trưởng Đoàn Y Thanh báo cáo, Đại tướng hết sức ngạc nhiên và vui mừng, khen: "Mới giải phóng không bao lâu mà các cậu đã làm quá giỏi. Còn có cả một trung đoàn cơ giới hùng hậu và hiện đại đến vậy. Như vậy là quý lắm. Các cậu phải nhớ sau khi làm xong phải sử dụng lực lượng cơ giới này làm cho cả Tây Nguyên...". Sau khi khánh thành ngày 19-5-1977, nguồn nước mát của "Đập mùa xuân Đắc Uy" đã làm hồi sinh, biến vùng đất Đắc Hà thành vùng đất trù phú của cây lúa nước, cây công nghiệp, là bệ phóng để huyện phát triển kinh tế vượt bậc.
Vậy là từ năm 1976 cho đến khi nghỉ hưu, trải qua nhiều cương vị từ Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh đoàn 733, Đoàn trưởng kiêm Bí thư Đoàn 331 đến Cục trưởng Cục xây dựng kinh tế Quân khu cho đến chức vụ cao nhất là Phó Tư lệnh Quân khu 5 trực tiếp chỉ huy các đơn vị làm kinh tế, ông vẫn lăn lộn đến các miền quê, chẳng mấy khi an nhàn. Ông chung tay cùng Quân khu làm nên 3 đoàn kinh tế lớn trên 3 tỉnh Tây Nguyên rồi lại bàn giao cho Bộ chuyên ngành quản lý. Sau đó bắt đầu gầy dựng lại từ đầu sơ khai tại Binh đoàn 15 hùng mạnh ngày nay, dấu chân người lính trường chinh Đoàn Y Thanh đã in đậm trong ký ức khó quên của nhiều thế hệ cán bộ Quân khu.
Nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Đại tá Nguyễn Đình Ngật bày tỏ niềm thương tiếc: "Thiếu tướng Đoàn Y Thanh là một cán bộ cách mạng mẫu mực, liêm khiết. Cả đời chỉ biết đến nhân dân, bộ đội, không hề nghĩ đến bản thân mình. Trải qua hai cuộc kháng chiến, ông có quyền nghỉ ngơi vậy mà vẫn luôn xông vào những nơi khó khăn nhất, chịu đựng gian khổ cùng bộ đội, góp phần xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng trên đất Khu 5. Công lao ấy của Thiếu tướng Đoàn Y Thanh không thể nào kể hết...".
Hồng Vân