Vị tướng và ký ức đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn
(Cadn.com.vn) - Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình (1949), quê Thạch Thắng, H. Thạch Hà (Hà Tĩnh), Phó chính ủy Bộ tư lệnh Quân khu 4, nguyên là người đã chỉ huy Đại đội 5 chiếm giữ Đài phát thanh Sài Gòn, chuẩn bị mọi điều kiện để cho Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào 11 giờ 30 ngày 30- 4- 1975 lịch sử. Gần 40 năm đã trôi qua, khoảnh khắc lịch sử huy hoàng ấy vẫn sống mãi trong ký ức của vị tướng.
Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình
HÀNH QUÂN THẦN TỐC
Ngày 15-1-1967, khi vừa bước sang tuổi 18, Hoàng Trọng Tình tự hào được khoác lên mình màu xanh áo lính. Năm 1968 đến tháng 9-1973, từ sau khi tham gia chiến dịch Mậu Thân đến trước Hiệp định Paris, Hoàng Trọng Tình đã đảm nhận những cương vị công tác khác nhau như Đại đội trưởng Tiểu đoàn 27 mặt trận B5; Chính trị viên Đại đội và cuối cùng là Chính trị viên Tiểu đoàn của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 trực tiếp chiến đấu tại tuyến lửa Quảng Trị.
Đến tháng 7-1974, anh cùng đơn vị nhận lệnh hành quân vào chiến đấu tại mặt trận Chi khu quận lỵ Thượng Đức (Quảng Nam- Đà Nẵng), sau đó tiếp tục đánh chiếm để giải phóng trung tâm TP Đà Nẵng. Sau khi củng cố Đà Nẵng, quân đoàn làm một cuộc hành quân thần tốc dọc theo miền duyên hải trục QL1A. Chỉ sau 11 ngày đơn vị đã vượt qua chặng đường dài gần 1.000km xuyên 3 quân khu, đi qua 11 tỉnh, 18 thị xã địch đang chiếm đóng. Trong đó nổi bật nhất là tiêu diệt và làm tan rã 5.000 tên địch, giải phóng thị xã Hàm Tân (Bình Thuận), góp phần đập tan hệ thống phòng thủ Sài Gòn từ xa trên hướng Đông của Mỹ - ngụy.
THỜI KHẮC ĐẶT DẤU CHẤM HẾT CHO CHẾ ĐỘ CŨ
17 giờ ngày 26-4-1975, Sư đoàn 304 anh hùng của Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình đánh vào căn cứ Nước Trong, là điểm phòng ngự rắn nhất của địch trên chiến tuyến Đông Nam Sài Gòn. Sau 3 ngày chiến đấu, chúng ta đã làm chủ được hoàn toàn khu vực này. Trước sức mạnh hỏa lực B40, B41 như vũ bão của quân ta, xe tăng M113 chở quân tiếp viện hốt hoảng tháo chạy rồi húc vào nhau và trở thành những đống sắt vụn bất động. Được đà thẳng tiến, đơn vị lại nhận lệnh mục tiêu là Dinh Độc Lập. 11 giờ ngày 30- 4- 1975, lực lượng thọc sâu đã chiếm được cứ điểm quan trọng này, bắt gọn cả Tổng thống Dương Văn Minh lẫn một số thành viên nội các Sài Gòn. Chớp thời cơ ngàn năm có một, Hoàng Trọng Tình chỉ thị cho Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 nhanh chóng đánh vào cổng Đài phát thanh ngụy trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thời khắc lịch sử tại Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30-4-1975.
Chỉ sau mấy phút, Đài phát thanh chính thức được bên ta chiếm giữ. Hoàng Trọng Tình giao nhiệm vụ cho Đại đội 5 bảo vệ an toàn Đài để chuẩn bị cho Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Hơn 11 giờ trưa, chiếc xe Jeep do Trung đoàn phó Nguyễn Xuân Thệ và một số sỹ quan cùng đi áp giải Dương Văn Minh dừng lại trước thềm trụ sở Đài phát thanh Sài Gòn. Đúng 11 giờ 30 ngày 30- 4- 1975 từ căn phòng lịch sử này vang lên lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng miền Nam của viên tổng thống ngụy cuối cùng: "Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam". Lúc này, lá cờ đỏ sao vàng đã phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc lập và các cơ quan, công sở ngụy.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hoàng Trong Tình tiếp tục tham gia chiến dịch Tây Nam giải phóng Campuchia, trấn giữ biên giới Tây Bắc. Trải qua nhiều đơn vị công tác, sau khi hòa bình lập lại, trước khi nghỉ hưu theo chế độ ở cương vị là Phó Chính ủy quân khu 4, vào năm 2006, Hoàng Trọng Tình được phong hàm thiếu tướng.
Đã gần 40 năm trôi qua, với Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình, những khoảnh khắc lịch sử trong ngày đất nước trọn niềm vui ấy đã đi theo ông suốt cuộc đời này. Trong những ngày cuối tháng tư lịch sử này, tướng Tình không giấu được sự xúc động khi nghĩ về khoảnh khắc ngày chiến thắng năm xưa. Đời lính, ông đã kinh qua nhiều gian khó, hiểm nguy, đã đối mặt với giây phút sinh tử cận kề, nhưng giây phút làm chủ Sài Gòn, anh em đồng chí đồng đội tay bắt mặt mừng, ôm nhau khóc trong niềm vui đoàn tụ, giữa sự hân hoan chào đón của hàng vạn đồng bào, khiến ông hạnh phúc nhất. Khoảnh khắc lịch sử huy hoàng ấy vẫn sống mãi trong ký ức của ông.
X.S- TT