Báo Công An Đà Nẵng

Vị vua cuối cùng của Ai Cập "hồi sinh"

Thứ ba, 25/08/2015 11:09

(Cadn.com.vn) - Giữa lúc Ai Cập đang rơi vào tình trạng hỗn loạn và bất ổn, một số người dân hồi tưởng về cuộc sống dưới vương triều cuối cùng của đất nước. Từ đó, một cuộc tranh luận trực tuyến nổ ra với những so sánh tương đồng giữa đất nước dưới thời Vua Farouk I và một Ai Cập đầy biến động hiện nay.

Hồi tưởng quá khứ

"Tôi ước rằng, vua Farouk không giao Ai Cập vào tay quân đội" là dòng trạng thái mà một người Ai Cập chia sẻ gần đây. Mới nghe thì đây có vẻ là một lời nói đùa kỳ cục bởi Ai Cập không còn chế độ quân chủ trong hơn 60 năm qua. Tuy nhiên, dòng chia sẻ đó, cũng như hàng ngàn những câu có nội dung tương tự được đăng tải trực tuyến và bất ngờ dẫn đầu xu hướng các vấn đề được cư dân quan tâm nhất ở Ai Cập.

Vua Farouk I lên ngôi vào năm 1936 lúc 16 tuổi. Lúc đầu, ông cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều người nhưng chính lối sống ăn chơi sa đọa của ông đẩy Ai Cập vào thế bế tắc, đặc biệt là trong khoảng thời gian khó khăn của Thế chiến II. Một cao ủy người Anh cùng thời mô tả Farouk như một người "vô học, lười biếng, không trung thực, vô trách nhiệm và vô dụng mặc dù có vẻ ngoài thông minh và cách cư xử lịch thiệp". Chính sự yếu kém trong việc quản lý đất nước của Farouk đẩy Ai Cập vào cuộc cách mạng năm 1952 dẫn đến thành lập nhà nước Cộng hòa và đánh dấu việc Gamal Abdel Nasser lên nắm quyền nhiều thập kỷ sau đó.

Tuy nhiên, thái độ của người dân Ai Cập đối với vị vua này bất ngờ thay đổi theo hướng tích cực trong những năm gần đây. Một trang dành riêng cho những người ái mộ Farouk mở ra trên mạng hồi tháng 8-2011. Abu Amr Seif, một người Ai Cập 40 tuổi, thành lập trang mạng nói trên và một trang mạng khác về vua Farouk từ năm 2007 cho rằng: "Các nhận xét trước đó về vua Farouk là phiến diện và không công bằng".

Xã hội Ai Cập dưới thời vua Farouk I là một chủ đề đang được tranh luận gay gắt hiện nay. Ảnh: BBC.

Kỷ nguyên tươi đẹp?

Trang hâm mộ vua Farouk đăng tải nhiều bài viết ca ngợi và kể lại những câu chuyện dưới triều đại Muhammad Ali, trong đó Farouk là vị vua cuối cùng. Trang này cũng chia sẻ nhiều hình ảnh trắng đen cũ của vua Farouk cùng với gia đình cũng như những bức ảnh chụp đường phố yên tĩnh và những người dân ăn mặc thanh lịch.

Nhiều người Ai Cập gọi thời gian này là "kỷ nguyên tươi đẹp" và thường gắn liền nó với xã hội xa hoa, đẳng cấp, tự do tôn giáo và văn minh. Tuy nhiên, nhiều người hoàn toàn không đồng ý với quan điểm trên. "Chúng tôi đang bị ám ảnh bởi những hình ảnh sang trọng và đẳng cấp nhưng nên nhớ rằng, đó không phải là bức tranh toàn cảnh xã hội Ai Cập thời  đó... Xã hội Ai Cập lúc bấy giờ cũng tồn tại những bất công và phân biệt giàu nghèo vẫn là vấn nạn như bao xã hội phong kiến khác", bác sĩ, blogger người Ai Cập Nervana Mahmoud chia sẻ.

Nên hay không?

Bác sĩ Mahmoud cho rằng, người Ai Cập đang tìm đến quá khứ như một lối thoát khỏi thực tế đất nước với các vụ đánh bom và bạo lực đang xảy ra hằng ngày, nền kinh tế kiệt quệ và nền chính trị đang rơi vào tình trạng hỗn loạn cực độ.

Nhưng việc nhiều người Ai Cập đã bỏ quên những khó khăn của đất nước dưới thời kỳ Farouk và điều này sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. "Cho đến khi người Ai Cập ngừng nhìn vào quá khứ thông qua ống kính màu hồng, Ai Cập sẽ không thể hướng tới một tương lai tươi sáng hơn", bác sĩ Mahmoud khẳng định. Phản bác lại ý kiến đó, Seif cho rằng việc này hoàn toàn không liên quan đến chính trị. Ông lập luận, "Chúng tôi không hề muốn đưa Ai Cập trở lại chế độ quân chủ. Điều này là vô nghĩa. Chúng tôi đơn giản chỉ đang hồi tưởng về quá khứ tươi đẹp. Đó là bản chất của con người".

An Bình
(Theo BBC)