Báo Công An Đà Nẵng

Việc làm cho sinh viên ra trường: Mãi là bài toán khó

Thứ ba, 29/09/2015 11:57

(Cadn.com.vn) - Hiện nay tại TP Đà Nẵng, sinh viên ra trường không có việc làm hoặc làm việc không đúng chuyên môn đã học  đang diễn ra ngày càng nhiều. Trước thực trạng đó, TP Đà Nẵng đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ cho người lao động. Bên cạnh đó, các sở, ban ngành, nhà trường... đều chung tay giúp đỡ người lao động tìm kiếm việc làm. Nhưng điều quan trọng ở chính bản thân người lao động, họ phải thực sự nỗ lực, khát khao vươn lên. "Không ai đến nhà dắt tay đi tìm việc!"-là bộc bạch của một cán bộ làm công tác việc làm tại Đà Nẵng.

Sinh viên Đà Nẵng tham gia tìm hiểu tại các chương trình hội chợ việc làm.

Điệp khúc... chờ

Chị U. (Quảng Nam), một nhân viên bán hàng ở siêu thị Lotte Mart chia sẻ: Gần 4 năm sau khi tốt nghiệp khoa kế toán Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, chị vẫn phải làm rất nhiều công việc trái với chuyên môn dù đã nộp đơn xin việc rất nhiều nơi. Có thời gian chị được nhận vào một đơn vị tư nhân làm công việc kế toán đúng với chuyên ngành của mình nhưng sau đó do công ty làm ăn gặp khó khăn, chị buộc phải nghỉ việc. Tiếp đó, chị đã chấp nhận làm nhân viên bán hàng cho một số Cty rồi mua hàng về tự kiếm mối để bán nhưng không thành công. Và rồi chị lại gửi hồ sơ và được nhận vào làm việc tại siêu thị Lotte Mart. Hiện chị chấp nhận với công việc ở đây vì dù sao cũng có được việc làm lo cho cuộc sống. U. tâm sự: "Cũng nhiều ước mơ, khao khát vươn lên lắm nhưng lực bất tòng tâm. Gia đình nghèo, lại không có quan hệ xã hội nhiều nên để có được một công việc vừa phù hợp năng lực vừa đảm bảo nhu cầu sống thực sự rất khó. Em cũng không muốn quay về vùng đất nghèo Trà My kiếm việc, làm khổ gia đình, nên muốn tự thân lập nghiệp tại Đà Nẵng, dẫu công việc hiện tại chưa đạt như ý muốn".

Cùng chung cảnh ngộ với U.,  T. (Thanh Hóa), tốt nghiệp bằng "đỏ" khoa kế toán Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng gần 3 năm nay nhưng cũng không kiếm được công việc phù hợp chuyên môn. "Lúc đầu em nghĩ rằng cầm tấm bằng đỏ ra trường là có thể dễ dàng có được một công việc như ý nên đã tự thân lập nghiệp tại Đà Nẵng. Tuy nhiên thực tế rất khác, rất muốn có được môi trường làm việc phù hợp với chuyên môn để phát huy năng lực nhưng khó lắm!-T.bộc bạch. Thời gian qua T. phải làm rất nhiều công việc,  từ bán hàng đến phụ việc cho một quán bar, nhà hàng. T. tâm sự: "Khi đến những nơi này xin việc mình không nói là đã tốt nghiệp đại học đâu anh, chỉ nói mình còn sinh viên đang đi tìm việc làm thêm thôi. Nói vậy họ mới nhận chứ bảo mình tốt nghiệp bằng này bằng nọ, doanh nghiệp thì không muốn nhận vì phải trả lương theo mức đại học, các nhà hàng thì họ nhìn mình ái ngại, tủi thân lắm!". Mãi gần đây, một đơn vị kinh doanh tư nhân ở Thanh Hóa mới nhận chị vào làm nhưng công việc cũng không phù hợp chuyên môn, nhưng T. bảo như thế cũng tạm ổn, còn hơn là thất nghiệp dài dài. Còn chị Trang (Hòa Khánh, Đà Nẵng), vừa tốt nghiệp trung cấp kế toán vừa học thêm nghề may dân dụng, rồi may công nghiệp. Không tìm được việc làm phù hợp ngành kế toán, Trang vào TPHCM tìm thử việc nhưng bất thành, thế là quay về Đà Nẵng, và may mắn là đã có một Cty tư nhân dệt may nhận vào làm việc với mức lương trung bình. Trang cũng dự tính tiếp tục làm việc và học thêm lên để có được một công việc như ý...

Ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng Phòng việc làm và an toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH- Đà Nẵng) cho rằng,  có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp. Tâm lý chung của nhiều người dân cho rằng con cái mình phải đỗ đại học, phải học lên cao, sau đại học thì mới có được công việc dễ dàng. Cũng chính vì vậy, nên khi ra trường, nhiều em ngần ngại làm những công việc khác mà luôn muốn chờ đợi, tìm được công việc đúng ngành, bằng cấp đã học. Bên cạnh đó, tâm lý chung công việc Nhà nước là công việc ổn định nên số lượng người muốn được vào các đơn vị Nhà nước rất cao. Tuy nhiên, hiện nay, đang có chính sách giảm cán bộ công nhân viên nên cứ 2 người nghỉ hưu mới tuyển dụng 1 người vào. Ở đây nếu người lao động không quá nhất nhất vào việc đúng nghề thì cũng giải quyết được rất lớn số lượng người lao động thất nghiệp! Ngoài ra còn một số các nguyên nhân khác như: hộ nghèo, di cư, di dời giải tỏa... Tuy nhiên theo ông Ánh những nguyên nhân trên mới là căn cơ tạo ra số lượng thất nghiệp lớn.

May mặc là một trong những nghề được TP Đà Nẵng hỗ trợ.

Người tìm việc chứ việc không tìm người!

Theo số liệu thống kê từ Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, dự kiến đến hết năm 2015, nếu thực hiện tốt chỉ tiêu đảm bảo 31.500 việc làm cho người lao động thì Đà Nẵng vẫn còn 4,15% số người thất nghiệp. Hiện nay, số người đang có khả năng làm việc tại thành phố vào khoảng 562.056 người/538.731 người đang có công ăn việc làm. Số liệu này đã trừ đi những người bệnh tật, ốm đau, học sinh, sinh viên đang học. Như vậy, Đà Nẵng vẫn còn đến 23.325 người thất nghiệp. Ở đây, định nghĩa thất nghiệp là những người không có việc làm, không tạo ra kinh tế cho xã hội. Thực tế, số lượng người thất nghiệp là sinh viên các trường đại học, học sinh trung cấp, cao đẳng thống kê vào cuối năm 2014 là 4.414 người.

Để giải bài toán việc làm, TP đã ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ người lao động như: Chính sách hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội.  Những đối tượng được hỗ trợ là lao động thuộc hộ nghèo, lao động là thân nhân chủ yếu thuộc đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, người khuyết tật, người nghiện ma túy đã được cai nghiện, người mại dâm đã được giáo dục chữa bệnh đang hòa nhập tại cộng đồng. Ngoài ra, TP cũng có chính sách cho vay hỗ trợ thay đổi ngành nghề thông qua việc vay vốn. Hằng tháng, Sở LĐ-TB&XH đã và đang tổ chức thường xuyên các chợ việc làm, các phiên chợ lưu động đến các thị trường nông thôn như: Cẩm Lệ, Hòa Vang. Mới đây, để đón số lượng sinh viên ra trường, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức một phiên chợ lao động tại Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, tạo được rất nhiều hiệu ứng tốt, kết quả là đã có 964 sinh viên và người lao động đã được các doanh nghiệp tuyển dụng, trong số những người được tuyển dụng có 740 lao động trình độ đại học; 191 lao động trình độ cao đẳng, trung cấp và 33 người là lao động phổ thông. Và cùng với đó là rất nhiều chương trình giao lưu, nâng cao nhận thức của sinh viên, tìm kiếm cơ hội được tổ chức tại các trường ĐH trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Tuy nhiên, mấu chốt để giải quyết vấn đề đó chính là bản thân người lao động, chứ không phải ở bất kỳ "ngoại lực" nào. Chính họ, trong giai đoạn kinh tế, hội nhập hiện nay, phải nhanh chóng tìm kiếm cơ hội cho bản thân mình, tự mình rèn các kỹ năng, trau dồi thêm kiến thức mới. Đại học, cao đẳng... không phải đã cho họ tất cả những thông tin, kỹ năng cần thiết mà khi bước chân vào doanh nghiệp, họ đều phải rèn luyện lại gần như từ đầu. Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng chia sẻ: "Về tỷ lệ thất nghiệp thì người lao động chưa qua đào tạo là cao nhất, sau đó là đến đại học, cao đẳng và cuối cùng mới đến học nghề! Nguyên nhân thất nghiệp thì nhiều nhưng căn bản nhất là người lao động cũng như gia đình phải tự trang bị, tự định hướng nghề cho mình. Rồi từ đó, lên phương án học tập. Bởi nếu đầu tư quá nhiều vào việc đại học, trong khi năng lực, đam mê của họ không có, đến khi ra trường, không có việc làm sẽ gây lãng phí cho xã hội. Việc quá kỳ vọng vào con cái của đại đa số người Việt tạo nên việc phải vào đại học, học sau đại học mới có công việc làm tốt trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay là không còn phù hợp.

Lê Anh Tuấn