Báo Công An Đà Nẵng

Việc lấy phiếu tín nhiệm nên duy trì

Thứ năm, 13/11/2014 08:10

(Cadn.com.vn) - Dự kiến ngày 15-11, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn, với 3 mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Đây là lần thứ hai Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ với báo giới về vấn đề được cử tri rất quan tâm này.

“Tôi cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm nên duy trì bởi vì cái này cũng là một chế định tuy không mới, nhưng mình cũng mới thực hiện và đã thấy vai trò, tác dụng của nó khá tốt. Nhìn lại lần lấy phiếu đầu tiên đối với một số ngành có bộ trưởng mà số phiếu tín nhiệm thấp còn tương đối cao thì nay đã có rất nhiều chuyển biến. Ví dụ như ngành ngân hàng, giao thông vận tải, công thương thì tôi thấy là đã có những chuyển biến rất rõ rệt. Tuy nhiên cũng có những Bộ trước đây chưa được tín nhiệm tốt thì đến nay cũng chưa có chuyển biến gì như Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Còn nhiều bộ ngành khác thì nhìn chung đã có sự chuyển biến rất rõ rệt, và tôi nghĩ là có khá nhiều bộ chưa được đánh giá cao trong lần lấy phiếu trước thì lần này sẽ được đánh giá cao hơn” – ông Nguyễn Sỹ Cương nói.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương.

Trả lời câu hỏi: liệu có phải vì áp lực của việc lấy phiếu tín nhiệm mà hiện nay có dấu hiệu nhiều bộ ngành đang xử lý công việc mang tính chất đối phó?, ông Nguyễn Sỹ Cương nói: “Tôi nhìn ở góc độ rộng hơn. Tất nhiên trong việc lãnh đạo chỉ đạo điều hành thì khi có vấn đề thì vẫn phải có những giải pháp để xử lý vấn đề đó. Đôi khi có những sự là trùng hợp, chẳng hạn vào những thời điểm, kỳ họp Quốc hội thì các Bộ trưởng đưa ra giải pháp này, giải pháp khác sẽ dễ khiến dư luận cho rằng đó là giải pháp đối phó. Tuy nhiên, trong khi Quốc hội đang họp, các đại biểu đặt ra vấn đề này, vấn đề kia và Bộ trưởng giải quyết ngay thì tôi nghĩ đó là giải pháp kịp thời chứ không thể nói là đối phó được”.