Báo Công An Đà Nẵng

Việc ngoài nghị trình

Thứ sáu, 29/11/2013 23:09

(Cadn.com.vn) - Thủy điện xả lũ gây hại cho dân miền Trung, án oan sai đối với ông Nguyễn Thanh Chấn và vứt xác phi tang ở thẩm mỹ viện Cát Tường không phải là những vấn đề trọng tâm nhưng lại trở thành tâm điểm dư luận, chi phối hoạt động của các đại biểu trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Vụ án Nguyễn Thanh Chấn đã khiến cả nước chấn động, lay động lương tri hàng triệu người. Từ đó, không thể không nghiêm túc đặt ra những nghi vấn đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án. Dư chấn của nó lan đến tận nghị trường, buộc các vị ĐBQH lên tiếng và cùng lúc cơ quan tiến hành tố tụng phải giải trình.

Cũng từ đây, các nghi án oan khác, điển hình là “vụ án vườn điều” ở Bình Thuận, được các cơ quan báo chí đồng loạt đề cập, như là cách thức chuyển nó đến nghị trường cho các vị đại biểu lên tiếng nhằm nhanh chóng vạch ra chân tướng sự việc. Các vị ĐBQH cũng đã hiểu điều này, truy vấn, đặt ra đòi hỏi trực tiếp với Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao và Bộ trưởng Bộ CA.

Tuy vẫn còn những ý kiến khác nhau về cách thức xử lý vấn đề nhưng có thể nhận thấy một thực tế rõ ràng là, những hoạt động ở Quốc hội đã mở đường cho việc thực thi công lý một cách hiệu quả hơn, không chỉ trong một vài vụ án mà cả một nền tư pháp.

Sự kiện mưa bão ở miền Trung, chỉ riêng trong cơn bão số 15, ít nhất 41 người chết và mất tích là tâm điểm của dư luận, cũng là tâm điểm trong các buổi chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ.

Phản ánh tiếng nói từ phía người dân, rất nhiều ĐBQH đều nhận định rằng, chính thủy điện là thủ phạm gây nên lũ lụt bất thường, bi đát cho miền Trung. Rất tiếc, vào thời điểm Quốc hội đề cập vấn đề này gay gắt nhất thì ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công Thương, người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm chính, lại đang công cán ở nước ngoài. Vào thời điểm đó, người dân hy vọng Quốc hội sẽ truy vấn tới cùng, bắt bằng được các thủy điện và cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm.

Lại tiếc thay, dựa trên những con số thống kê mà không phải người dân nào cũng hiểu hoặc biết chúng được xây dựng như thế nào, cơ quan chủ quản trả lời rằng: Thủy điện không thể gây lũ, không những thế, nó còn góp phần tạo nguồn nước và điều tiết lũ! Đó là những kết luận chỉ có thể khiến cho những nhà đầu tư thủy điện – những người đang hưởng lợi lớn từ tài nguyên nước – vô cùng an lòng; còn người dân – những người trực tiếp vật lộn chống chọi với lũ lụt – không thể yên lòng.

Tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội và toàn dân chứng kiến người ngồi trên “chiếc ghế nóng” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lên tiếng một cách mềm mỏng và đầy xúc cảm. Bộ trưởng nói: “Vụ Cát Tường là điển hình, không chỉ đạo đức ngành y mà là mất nhân tính con người và gây ra nỗi đau đớn, bức xúc không chỉ cho nạn nhân mà là đau đớn nhất của cả ngành y, tất cả cán bộ ngành y của chúng tôi đều cảm giác không thể tin đó là sự thật... Chúng tôi hy vọng đại biểu và nhân dân nhìn một cách khoan dung và toàn diện”.

Sự biện bạch Bộ trưởng Bộ Y tế dường như đã giúp bà tránh khỏi sự truy vấn gắt gao đáng ra phải có của các vị ĐBQH và cũng phần nào được cử tri cả nước cảm thông. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa những vấn đề nhức nhối về y đức đã được giải quyết thỏa đáng. Vụ vứt xác ở thẩm mỹ viện Cát Tường là tiếng rên xiết của một thực thể tàn tạ, rệu rã đến tận cùng – y đức thời kinh tế thị trường. Dù sao đi nữa, qua sự cầu thị của Bộ trưởng Bộ Y tế, có thể hy vọng vào một sự thay đổi, dù là chỉ với sự khởi đầu mong manh nhất.

Những điều trên đây cho thấy, Quốc hội đã có những cách thức tiếp cận rất tích cực đối với các vấn đề nóng bỏng của xã hội, những điều trực tiếp đặt ra hằng ngày trong cuộc sống. Người dân cần điều đó không kém gì những quyết sách lớn lao của các nhà hoạch định chuẩn bị sẵn trong nghị trình.

Nguyễn Lê