Báo Công An Đà Nẵng

Viễn cảnh mịt mờ

Thứ hai, 22/08/2016 10:11

(Cadn.com.vn) - Châu Âu đang phải đối phó với sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp ở hai con số do hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ sâu rộng, bóng ma Brexit (Anh rời khỏi EU) và  cuộc khủng hoảng người tị nạn chưa từng có. Và tất cả càng đè nặng lên đôi vai vốn đã oằn đi trước rất nhiều áp lực của các nước lục địa già.

Tình hình này cho thấy, triển vọng kinh tế Châu Âu sẽ tiếp tục mờ nhạt trong tương lai gần. Số liệu chính thức cho thấy, tăng trưởng GDP trong các nước sử dụng đồng tiền chung EUR (Eurozone) chỉ tăng 0,6% trong 3 tháng đầu năm 2016 và xuống còn 0,3% trong quý II. Ủy ban Châu Âu (EC) gần đây đã cắt giảm triển vọng kinh tế 19 quốc gia trong khu vực. Lo ngại thêm nữa là tỷ lệ lạm phát tại các quốc gia thành viên EU vẫn ở mức tiêu cực, buộc các nhà hoạch định chính sách Châu Âu phải hành động nhiều hơn nữa.

Các nền kinh tế Châu Âu đang bước vào năm thứ 4 trên con đường hồi phục. Nhưng lục địa già đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong năm nay. Trước hết, cuộc khủng hoảng di cư tiếp tục gây ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế và xã hội Châu Âu. Những người di cư hoặc tị nạn, hầu hết là thanh niên, được xem như là lực lượng bổ sung cho thị trường lao động ngày càng lão hóa của Châu Âu, nhưng vấn đề hội nhập đã nổi lên.

Châu Âu bị chia rẽ trong cách phải làm thế nào để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư và sự mâu thuẫn này kích thích sự gia tăng của các đảng chính trị cực hữu, chính sách bảo thủ và chủ nghĩa dân túy trên khắp lục địa. Trong khi các nhà lãnh đạo EU thảo luận về cách giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II, họ phải đối mặt khó khăn lớn khi người Anh quyết dứt áo ra đi.

Các nhà kinh tế cảnh báo, Brexit không chỉ phá vỡ quá trình hội nhập Châu Âu mà còn có thể gây tổn hại cho sự phát triển của cả châu lục. Cả EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ thấp dự báo tăng trưởng do lo ngại hậu quả Brexit.  Hơn nữa, nợ xấu ngân hàng tiếp tục gia tăng có thể gây ra cuộc khủng hoảng ngân hàng tiếp theo trong một Châu Âu đang căng thẳng. Trong bóng đêm Brexit, các nhà đầu tư cảm thấy lo sợ và bán tháo cổ phiếu, khiến giá trị các ngân hàng EU xuống thấp kỷ lục.

Có thể thấy, Châu Âu lại một lần nữa lại đứng trước ngã ba đường. Cho dù chính phủ các nước Châu Âu có thể tạo bước đột phá, nhưng tương lai kinh tế của liên minh này vẫn là một dấu hỏi lớn.

Thanh  Văn