Việt kiều có được nhận tặng cho quyền sử dụng đất không?
*Luật sư Đặng Văn Vương - Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners – Trưởng Chi nhánh Cẩm Lệ, trả lời:
1. Anh có được nhận tặng cho thửa đất này không?
Theo nội dung anh Chất cung cấp, anh hiện đang sinh sống ở nước ngoài và vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”. Như vậy, anh được xem là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Căn cứ Điểm đ Khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai 2013 quy định về việc nhận quyền sử dụng đất thì “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở”. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở; hay nói cách khác, họ chỉ được nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở có gắn liền với nhà ở. Theo Khoản 1 Điều 8 Luật Nhà ở 2014 quy định về điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở, “đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam”. Với trường hợp của anh Chất, mảnh đất của ba mẹ anh không có nhà ở gắn liền trên đất. Việc tặng cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài quyền sử dụng đất mà không gắn liền nhà ở là không phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, anh Chất sẽ không được quyền nhận tặng cho quyền sử dụng đất nêu trên.
2. Anh Chất cần làm gì để được nhận tặng cho mảnh đất này?
Để chuyển quyền sử dụng đất của ba mẹ sang anh, anh và ba mẹ anh có thể thực hiện như sau:
Bước 1: Ba mẹ anh xây dựng nhà ở phù hợp với quy định của Luật Xây dựng hiện hành và thực hiện đăng ký quyền sở hữu nhà ở vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Bước 2: Sau khi hoàn thành bước 1, anh được quyền nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở nêu trên. Ba mẹ anh và anh lập hợp đồng tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở nêu trên tại văn phòng công chứng/phòng công chứng để đảm bảo tính hiệu lực của Hợp đồng.
Bước 3: Anh thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai sang tên anh trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại văn phòng đăng ký đất đai có thẩm quyền.
Trường hợp không xây nhà, ba mẹ anh có thể lập di chúc để lại quyền sử dụng đất trên cho anh. Sau này khi phát sinh quyền thừa kế đối với quyền sử dụng đất:
+ Nếu anh trở về định cư tại Việt Nam thì anh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với quyền sử dụng đất trên;
+ Nếu anh vẫn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì anh không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được quyền định đoạt (chuyển nhượng, tặng cho, để thừa kế, thế chấp, cho thuê) đối với quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định tại Khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai 2013. Trong trường hợp chưa chuyển nhượng, tặng cho… quyền sử dụng đất nêu trên, anh hoặc người đại diện được anh ủy quyền bằng văn bản hợp lệ có thể nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào sổ địa chính.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425