Báo Công An Đà Nẵng

Việt Nam cần đa dạng nguồn điện

Thứ sáu, 06/11/2015 11:16

(Cadn.com.vn) - Tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả, mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo, huy động nguồn lực đầu tư, giảm hiệu ứng nhà kính và tăng cường trao đổi điện trong khu vực có thể giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện từ 7 đến 10% mỗi năm cho tới năm 2030.

Đó là những thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị “Định hướng phát triển bền vững cho ngành Điện Việt Nam” diễn ra ngày 4-11, tại Đà Nẵng, do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.

Đại biểu tham dự Hội nghị.

Việt Nam sử dụng năng lượng nhiều nhất Đông Nam Á

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Đến nay, hệ thống điện quốc gia đã có những bước phát triển vượt bậc, đảm bảo cung cấp đủ điện với chất lượng và độ tin cậy ngày càng được cải thiện, nâng cao. Tuy vậy, ngành Điện Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn. Đó là, thiếu nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện dẫn đến phải nhập khẩu than ngay từ nước ngoài và dự kiến năm 2020 phải nhập khoảng 50 triệu tấn và 80 triệu tấn từ sau năm 2030; nhu cầu vốn đầu tư cho ngành Điện ngày càng lớn, trong khi đó ngân sách lại hạn chế; yêu cầu về độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng dịch vụ khách hàng ngày càng cao...

Phó Thủ tướng chỉ rõ, ngành Điện Việt Nam phải tiếp tục đổi mới, xây dựng chiến lược phát triển nhanh, bền vững; rà soát, điều chỉnh quy hoạch để có các giải pháp điều hành hợp lý, đảm bảo cung ứng đủ điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch và yêu cầu nhập khẩu than cho phát điện bằng cách phát triển các nguồn năng lượng thay thế, đặc biệt là năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Theo Phó Thủ tướng, tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam khá lớn và có thể đưa sản lượng điện sản xuất từ khoảng 58 tỉ kWh năm 2015 lên đạt khoảng 101 tỉ kWh vào năm 2020, khoảng 186 tỉ kWh vào năm 2030 và trên 452 tỉ kWh vào năm 2050.

Theo ông Alex Van Trotsenburrg, Việt Nam là nước sử dụng nhiều năng lượng nhất trong khu vực Đông Nam Á, do đó vấn đề chúng ta phải làm sao để tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng là cần thiết; giai đoạn từ 2015 – 2020 Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD (tương đương 8 tỷ MkW mỗi năm), nếu chỉ có khu vực công đầu tư thì sẽ không đáp ứng, vì vậy cần phải tháo gỡ khó khăn, khuyến khích tư nhân đầu tư. Cũng theo ông Alex, Việt Nam cần đặt mục tiêu giảm thất thoát năng lượng từ 24% hiện tại xuống còn 8,5% đến năm 2020 đồng thời tìm thêm nhiều nguồn năng lượng thay thế dần cho thủy điện (hiện tại thủy điện chiếm 42% trong tổng nguồn điện Việt Nam).

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể phát triển hơn nữa các tiềm năng gió và mặt trời, nhưng cần có cải thiện về khung pháp lý quy định. Khi nhu cầu năng lượng gia tăng, Việt Nam cần đẩy mạnh sử dụng năng lượng hiệu quả và khai thác nhiều nguồn năng lượng khác nhau để đáp ứng nhu cầu đó bao gồm than, khí thiên nhiên, điện gió, điện mặt trời và thủy điện để đảm bảo nguồn cung cấp điện bền vững, tin cậy và giá cả hợp lý...

* Hiện nay Việt Nam có 99% xã, phường có điện, còn 17 xã chưa có điện, khoảng 1,1 triệu người dân và mục tiêu đến năm 2020 17 xã còn lại tương đương 1,6 tỷ USD phải có điện, đáp ứng mục tiêu 100% người dân tiếp cận được nguồn điện. Quá trình điện hóa nông thôn tạo điều kiện xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.

Vận hành thị trường điện cạnh tranh

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Việt Nam tiếp tục cam kết thực hiện cạnh tranh trong ngành Điện và Chính phủ đã đề ra một lộ trình rõ ràng để phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh vận hành hoàn chỉnh vào năm 2021. Việc chuyển đổi giá điện sang cơ chế thị trường liên quan đến việc xóa bỏ bao cấp trong cả sản xuất và tiêu thụ điện nhằm bảo đảm giá điện tạo ra động lực đủ lớn khuyến khích đầu tư và sử dụng điện tiết kiệm, tách hoạt động công ích ra khỏi sản xuất, kinh doanh điện thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, lộ trình phát triển thị trường điện lực Việt Nam được Chính phủ phê duyệt, trong đó phát điện cạnh tranh được triển khai đến năm 2015, từ năm 2016 trở đi, Việt Nam sẽ thực hiện vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh; từ năm 2017- 2018 sẽ vận hành thử nghiệm với những giao dịch trong thực tế; từ năm 2019, thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ vận hành chính thức và đến năm 2021 sẽ thử nghiệm thị trường bán lẻ cạnh tranh và chính thức vận hành vào năm 2023. Như vậy, khi thị trường bán buôn điện cạnh tranh được vận hành chính thức vào năm 2019, EVN sẽ không còn thế độc quyền trong việc mua bán điện. Ông Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, khuyến khích các nhà đầu tư hình thành các đơn vị cung cấp dịch vụ nhập khẩu điện để cạnh tranh giá cả trong tương lai. Theo ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương nhu cầu tiêu thụ hàng năm của Việt Nam tăng từ 7-10% cho tới năm 2030, do đó chúng ta phải nhập khẩu điện từ nước ngoài, hiện đang nhập khẩu điện từ Trung Quốc và có kế hoạch phát triển một số dự án thủy điện ở Lào để nhập khẩu về Việt Nam và đến năm 2020, Việt Nam sẽ có điện hạt nhân 4.000MW, chiếm khoảng 4% hệ thống điện.

Xuân Đương