Báo Công An Đà Nẵng

Việt Nam có thể thành con hổ, con rồng hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự đột phá của ngành Công Thương

Thứ sáu, 18/01/2019 06:21

Ngày  17-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Công Thương. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng đến dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Công Thương. Ảnh: VGP

Kết quả xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sau 2 năm thực hiện nhiệm vụ xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành, đến thời điểm hiện nay, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ, đã có 2 nhà máy bước đầu có lãi và từng bước ổn định, đó là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy thép Việt - Trung. Trong số 3 nhà máy trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 2 nhà máy vận hành sản xuất trở lại, cho sản phẩm đạt chất lượng tốt là Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi. Bộ Công Thương cũng đặt ra nhiệm vụ của năm 2019 là thực hiện tốt công tác phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để tiếp tục tập trung hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương theo đúng phương án, kế hoạch, lộ trình được phê duyệt.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Công Thương đã tổ chức triển khai tốt nhiệm vụ được giao, giúp năm 2018 đạt kết quả toàn diện, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng. Trong đó, khu vực công nghiệp đóng góp 2,85% vào tốc độ tăng GDP để đạt 7,08%. Công nghiệp phụ trợ có tốc độ tăng tốt, tỷ lệ nội địa hóa của nhiều sản phẩm tăng cao. Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 37 bậc, xếp thứ 27 thế giới và thuộc nhóm đầu ASEAN. Thủ tướng vui mừng nhận thấy năm 2018 đạt kết quả xuất siêu cao, chủ yếu là xuất siêu sang các thị trường phát triển. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khu vực trong nước tăng nhanh hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, vai trò của thị trường trong nước đối với sản xuất được củng cố.

Ghi nhận những đóng góp của toàn ngành Công Thương, song Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại của ngành. Trong đó, tính chủ động trong công tác lập, điều chỉnh chiến lược quy hoạch cho ngành chưa cao, một số quy hoạch triển khai chậm so với thực tiễn, gây lúng túng cho công tác quản lý, trong đó có lĩnh vực năng lượng. Ngành công nghiệp phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nội lực còn yếu, trình độ công nghệ lạc hậu và chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự đóng vai trò dẫn dắt. Bên cạnh đó, mức độ liên doanh hợp tác giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành hoặc giữa các ngành còn nhiều hạn chế, chưa tạo được mối liên kết giữa các ngành hợp tác chuyên môn hóa sâu, phù hợp với cơ chế thị trường.

Thủ tướng đặt vấn đề về bối cảnh đất nước hiện nay hội nhập sâu rộng, việc tự chủ, tự cường của nền kinh tế là một hướng đi rất quan trọng trong phát triển với hệ thống toàn ngành Công Thương Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu, làm sao để các tập đoàn trong nước đầu tư mạnh mẽ; làm sao vốn các tập đoàn đa quốc gia đổ vào Việt Nam trong lúc thế giới có nhiều thay đổi. “Những câu hỏi đó chúng ta nên suy nghĩ, định hướng giải quyết. Chính vì vậy, chiến lược phát triển ngành giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, ngay từ bây giờ phải có những bước đi quan trọng để thúc đẩy phát triển. Việt Nam có thể thành con hổ, con rồng hay không, chính là phụ thuộc rất nhiều vào sự đột phá của ngành Công Thương”, Thủ tướng nói.

Trước những biến động của thế giới, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương cần nghiên cứu, dự báo và có phương án ứng phó kịp thời, không để bị động. Thủ tướng cho biết đã thành lập một tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Tổ trưởng để phản ứng nhanh hơn trước biến động thị trường.

Q.V