Báo Công An Đà Nẵng

Việt Nam đảm bảo mọi người dân được phát huy tiềm năng, thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển

Thứ tư, 18/07/2018 08:18

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), ngày 16-7, tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Đoàn đại biểu liên ngành Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương làm trưởng đoàn đã chính thức trình bày Báo cáo Quốc gia tự nguyện (VNR) về việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Đây là hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững (HLPF) của Hội đồng Kinh tế - xã hội LHQ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương

Báo cáo VNR của Việt Nam nêu bật kết quả đạt được trong việc thực hiện 17 SDGs của Việt Nam, phân tích những khó khăn, thách thức đặt ra trong việc thực hiện các mục tiêu này ở Việt Nam và đưa ra những đề xuất, khuyến nghị để thúc đẩy việc thực hiện SDGs trong thời gian tới. Báo cáo được xây dựng với sự tham gia, đóng góp tích cực của các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan LHQ và các đối tác phát triển.

Phát biểu làm rõ thêm báo cáo đã gửi tới các đại biểu, trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương khẳng định quan điểm phát triển bền vững được Việt Nam lồng ghép xuyên suốt trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và được cụ thể hóa trong Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia. Thành tựu nổi bật là tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam các năm 2015, 2016 và 2017 đạt tương ứng 6,7%, 6,2% và 6,8%; trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn dưới 7% năm 2017. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,4% năm 2017, trong khi tỷ lệ nhập học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 99% trong năm học 2016-2017. Năm 2016, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh đạt 93,4% và tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận điện lưới là 99%. Tỷ lệ dân số sử dụng Internet là 54,2% năm 2017. Các vấn đề về quản lý tài nguyên và môi trường cũng đã được cải thiện, độ che phủ rừng tăng, đạt 41,5% năm 2017. Việt Nam cũng có những bước tiến trong tăng cường bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội; giảm thiểu bất bình đẳng và cải thiện tiếp cận thông tin và pháp luật cho người dân; chú trọng đến các nhóm yếu thế trong xã hội như người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số... thông qua việc thực hiện một loạt chính sách nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng nhấn mạnh Việt Nam đã ban hành Kế hoạch Hành động với sự phân công rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện SDGs từ trung ương đến địa phương bao gồm Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường hội nhập quốc tế toàn diện, sâu sắc đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các mối quan hệ đối tác toàn cầu, các quan hệ đối tác công tư để bảo đảm nguồn lực cho phát triển bền vững.

Thứ trưởng nêu rõ trong quá trình thực hiện, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khó khăn về nguồn lực tài chính, mức độ kết nối giữa các ngành, lĩnh vực, cũng như năng lực thống kê phục vụ giám sát theo dõi thực hiện phát triển bền vững còn hạn chế. Song thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch Hành động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm mọi người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, công bằng, văn minh và bền vững. Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương tái khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục phát huy thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau.

Sau phần trình bày ngắn gọn của Trưởng đoàn Việt Nam đã diễn ra cuộc đối thoại cởi mở, thẳng thắn với đại biểu các nước. Các đại biểu tham dự đều ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, thành tựu và cam kết của Việt Nam cũng như nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc huy động sự tham gia đóng góp của tất cả các bên liên quan trong thực hiện phát triển bền vững, thể hiện sự nghiêm túc của Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong việc lồng ghép SDGs vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Diễn ra từ ngày 9 đến 18-7, HLPF 2018 quy tụ hơn 2.500 đại biểu đến từ 193 nước thành viên LHQ (trong đó có 80 nước cử đoàn cấp Bộ trưởng), các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và giới học giả quốc tế. HLPF năm nay tập trung thảo luận chủ đề “Chuyển đổi hướng tới các xã hội bền vững và tự cường”.

PHƯƠNG OANH – TTXVN

Việt Nam hoàn toàn có khả năng duy trì tăng trưởng 6,5% sau năm 2018

Bản cập nhật mới nhất của báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới công bố cho hay tăng trưởng của nhóm ASEAN 5 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) dự kiến sẽ ổn định ở mức khoảng 5,3% do nhu cầu nội địa vẫn khá vững mạnh và xuất khẩu tiếp tục phục hồi.

Đối với Việt Nam, IMF cho rằng động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2018 do được hỗ trợ bởi quá trình cải cách, sản lượng tiềm năng cao, đà phục hồi chung trên toàn cầu, và những cam kết về ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính của chính phủ. Tăng trưởng của Việt Nam được dự báo ở mức 6,6% vào năm 2018. Lạm phát được dự báo sẽ ở khoảng dưới mức mục tiêu 4% do giá dầu cao hơn. IMF cho rằng nếu các cải cách được duy trì với tốc độ hiện tại, tăng trưởng hằng năm của Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt 6,5% sau năm 2018.

Theo IMF, các cải cách của Việt Nam cần phải được mở rộng và tăng tốc để giải quyết các rào cản còn lại nhằm thu hút thêm đầu tư và nâng cao năng suất lao động. Các lĩnh vực cần được ưu tiên bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao; tiếp tục cắt giảm các rào cản pháp lý và chuyển sang áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả quản lý, tính minh bạch và chất lượng dữ liệu để hỗ trợ đầu tư; cải cách giáo dục đại học; tiếp tục cải cách trong các doanh nghiệp nhà nước.

P.V