Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài
“Giữa bối cảnh các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang mong muốn tìm kiếm một “bến đỗ” có khả năng đảm bảo tính liên tục trong hoạt động sản xuất, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài”. Đó là lời khẳng định của bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, trong buổi trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
Bà Carolyn Turk khẳng định Việt Nam đang làm rất tốt việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Có thể nói, Việt Nam đang đi trước thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch này. Điều đó được thể hiện qua việc Việt Nam đã không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng trong hai tháng gần đây, và đó là một bước tiến đáng kinh ngạc nếu so sánh với tình hình thế giới.
Khi đã kiểm soát được đại dịch, kinh tế Việt Nam có cơ hội trở lại guồng quay trước nhiều nước trên thế giới. Theo Giám đốc Quốc gia của WB, Việt Nam đã cho thấy sự “dẻo dai tương đối” khi ghi nhận tăng trưởng kinh tế dương trong khi nhiều nước khác không thể. WB dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ ở mức khoảng 2- 3% trong năm nay và 5-6,5% trong năm 2021.
Bên cạnh đó, bà Turk cũng cho rằng việc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 sẽ là công cụ quảng bá tốt nhất cho Việt Nam, bởi Việt Nam đã có thể khôi phục các hoạt động kinh tế trong khi các nước khác chỉ có thể mở cửa trở lại từng phần. Bà nói: “Trong bối cảnh các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang mong muốn tìm kiếm một “bến đỗ” có khả năng đảm bảo tính liên tục trong hoạt động sản xuất, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài”.
Mặc dù vậy, bà Turk cũng cho rằng, giữa bối cảnh tình hình thế giới còn rất khó đoán định, những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong giai đoạn này có thể sẽ mất đi khi các quốc gia khác bắt đầu quay trở lại trạng thái bình thường. Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam duy trì được những lợi thế đó trong tương lai? Việt Nam có thể là nước đầu tiên quay trở lại quỹ đạo phục hồi, song điều quan trọng là phải kết hợp quá trình phục hồi đó với các biện pháp cải cách và có những hành động, chính sách nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh khi các quốc gia khác cũng quay trở lại trạng thái bình thường.
MAI LY