Việt Nam đất nước con người: Một lần đến bản Sin Suối Hồ
Theo báo cáo của người đại diện bản Sin Suối Hồ với Đoàn công tác, bản Sin Suối Hồ được xây dựng theo tiêu chí 4 không: không uống rượu, không cờ bạc, không sử dụng chất cấm, không quan hệ tình ái lăng nhăng làm tan vỡ hạnh phúc gia đình người khác.
Đến nơi đây, nhìn bao quát cảnh quan thiên nhiên ẩn chứa vẻ đẹp đến mê hồn, khí hậu mát mẻ quanh năm. Nhân dân sinh sống đoàn kết, cùng nhau bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc gắn với phát triển du lịch. Bà con trong bản chung tay làm du lịch khá bài bản, chuyên nghiệp với 25 hộ gia đình tham gia làm dịch vụ lưu trú homestay; 8 gia đình làm dịch vụ ăn uống, có 1 hợp tác xã tiếp đón và phục vụ du khách với sức chứa gần 600 du khách mỗi ngày, đêm. Có nhiều hộ xây dựng homestay, bungalow, có hộ mở quán cà-phê, hộ kinh doanh nhà hàng hoặc bán hàng lưu niệm, hộ thì nuôi cá tầm… Các homestay đều là nhà gỗ với mô hình nhà ở truyền thống của người Mông. Cổng chào homestay xinh xắn, có biển hiệu tên chủ nhà, các dịch vụ, số điện thoại... Người dân ở Sin Suối Hồ dùng đá để trang trí nhà cửa, để kê bếp lửa, để dựng lên các hàng rào quanh nhà và dựng lên khu chợ phiên đẹp đẽ ngay trung tâm bản.
Đến Sin Suối Hồ, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là những chậu Địa lan Trần Mộng. Lan ở khắp sân vườn, ở hai bên lối đi, ở dưới những gốc cây Tông qua xủ cổ thụ; có những chậu địa lan cần mấy người khiêng. Hầu hết các gia đình trong bản đều trồng nên cả bản có trên 20.000 chậu, mỗi dịp xuân về từng cành hoa vươn ra mạnh mẽ, tinh tế đua nhau khoe sắc. Du khách như lạc vào thế giới của loài hoa rừng quyến rũ và được lắng nghe câu chuyện kể hấp dẫn về loài hoa này.
Sin Suối Hồ được gọi là "Thiên đường trong mây" bởi khi tới đây, du khách sẽ được đắm chìm trong biển mây vào mỗi sáng sớm. Đến Sin Suối Hồ, du khách được ngắm Thác Trái Tim, hòa mình vào làn nước trong xanh, mát lạnh, lắng nghe những câu chuyện tình yêu của những đôi trai gái người Mông và cảm nhận tình yêu bằng cả trái tim của người dân Sin Suối Hồ đối với mảnh đất thân thương này. Được dạo bước trên con đường dọc suối mang theo nguồn nước từ đỉnh Sơn Bạc Mây về với bản làng. Bắt đầu từ chợ Sin Suối Hồ, du khách sẽ được trải nghiệm cung đường màu xanh của cây cối, màu trắng của nước và đâu đâu bạn cũng muốn dừng lại ngắm nhìn vẻ đẹp thơ mộng của mảnh đất này.
Từ Sin Suối Hồ, du khách có thể xuất phát chinh phục những đỉnh núi cao hùng vĩ và đẹp bậc nhất Việt Nam, như: Bạch Mộc Lương Tử - đỉnh núi cao thứ 4 của Việt Nam với tổng quãng đường khoảng 12km xuyên qua những địa hình đa dạng, xuyên qua những khu rừng nguyên sơ với phong cảnh kỳ vĩ và cùng lúc khám phá đỉnh Tả Liên Sơn, đỉnh Pu Ta Leng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của những rừng hoa đỗ quyên.
Đến với Sin Suối Hồ, du khách được thưởng thức các tiết mục dân ca, dân vũ giàu bản sắc do đội văn nghệ của bản trình diễn, được tham quan chợ phiên Sin Suối Hồ - nơi nghề dệt, thêu thổ cẩm truyền thống được bảo tồn, nơi những sản phẩm thủ công tinh xảo và những sản phẩm sinh hoạt đời thường được bà con giao thương; đồng thời, được thưởng thức những món ẩm thực tươi ngon, phong phú và đa dạng đậm chất Tây Bắc, như: lợn bản đủ món, gà đồi, mèn mén, bánh dày, nộm rau dớn rừng, sâu măng chiên giòn, rau cải mèo… Nhưng có lẽ, ấn tượng trong tôi hơn cả chính là sự thân thiện, hiếu khách vốn có của người Mông. Đến đây, tôi được đón chào bằng những nụ cười đôn hậu, ánh mắt tươi vui, những ly nước lá rừng thơm mát và những chiếc bắt tay thật chặt.
Được biết, Sin Suối Hồ mùa nào cũng đẹp, mùa xuân có hoa đào, hoa mận nở rộ. Không khí trong lành với những dòng suối mát rượi trong những ngày hè. Thu về cùng ngắm những ruộng bậc thang vàng ươm với hương thơm mùi lúa chín thoang thoảng, dễ chịu. Đến mùa đông, Sin Suối Hồ ngào ngạt hương thơm của thảo quả, cùng ngắm những đoàn người, ngựa mau mải, xúng xính đi về với những thồ thảo quả đỏ mọng hứa hẹn một năm bội thu.
Một lần đến bản Sin Suối Hồ trong tiết trời mùa xuân ấm áp đã để lại trong tôi những ấn tượng, ký ức khó quên; bởi nơi đây không chỉ là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng mà còn là nơi khám phá về văn hóa truyền thống của đồng bào tộc Mông ở vùng đất thân yêu phía Tây Bắc Tổ quốc.
Đinh Văn Dũng
Tỉnh Lai Châu nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, với diện tích hơn 9.000km2, có trên 265 km đường biên giới với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Lai Châu có dân số gần 480 nghìn người, là nơi cư trú của 20 dân tộc luôn đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nên một mảnh đất Lai Châu rực rỡ sắc màu văn hóa. Lai Châu có 16 điểm du lịch cộng đồng, mỗi điểm du lịch đều mang những bản sắc văn hóa riêng biệt, độc đáo và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Và Sin Suối Hồ là một trong số đó.