Báo Công An Đà Nẵng

Việt Nam hiện là 1 trong 3 quốc gia có lao động di cư nhiều nhất trong ASEAN

Thứ ba, 15/11/2016 07:56

(Cadn.com.vn) - Ngày 14-11, tại TT-Huế đã diễn ra Hội thảo quốc tế "Lao động không chính thức, lao động di cư và vấn đề chăm sóc sức khỏe ở khu vực ASEAN". Hội thảo do Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế phối hợp với Viện Rosa Luxemburg Stiftung (CHLB Đức) tổ chức, thu hút hơn 200 đại biểu, trong đó có nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đến từ CHLB Đức, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines và Việt Nam.

Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay trên thế giới có khoảng 250 triệu người mưu sinh bằng cách ra nước ngoài làm việc. Riêng Việt Nam có khoảng 500.000 lao động đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam hiện là 1 trong 3 quốc gia có lao động di cư nhiều nhất (cùng với Philippines, Indonesia) trong khu vực ASEAN.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày các tham luận, cung cấp thông tin và cùng thảo luận về các vấn đề: Thực trạng lao động chưa qua đào tạo nghề ở tỉnh Thừa Thiên - Huế; bất cân xứng thông tin trong xuất khẩu lao động ở Việt Nam thông qua cách tiếp cận giới; lao động tay nghề thấp ở ASEAN; tái sản xuất xã hội, an sinh xã hội và phát triển liên quan đến khủng hoảng; quan điểm nữ quyền về tái cấu trúc theo trường phái tân tự do ở Châu Âu; tổng quan về lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam và khuyến nghị chính sách; chăm sóc sức khỏe người già - những vấn đề và thách thức; công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong gia đình nông thôn Việt Nam hiện nay và các vấn đề như di cư của lao động kỹ năng thấp trong ASEAN; phúc lợi cho người lao động di cư; chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ di cư; lao động di cư trẻ tuổi và vấn đề tái sản xuất sức lao động...

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, những vấn đề như: Cạnh tranh lao động; quyền của người lao động trong làn sóng dịch chuyển lao động ở khu vực ASEAN; những rủi ro, bệnh tật của lao động di cư; tác động của cơn lốc công nghiệp hóa và đời sống của những người dễ bị tổn thương như phụ nữ, người già, trẻ em, người tàn tật... đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất thời gian tới cần tăng cường bảo vệ người lao động thông qua việc sử dụng hợp đồng lao động mẫu với những điều khoản chi tiết, cụ thể; tăng cường an toàn vệ sinh lao động cho lao động di cư, nội dung về an toàn vệ sinh lao động phải được thể hiện trong hợp đồng lao động. Trước khi đi xuất khẩu lao động người lao động cần được cung cấp, trang bị các kiến thức về quyền lợi của người lao động tại nước tiếp nhận, những quy định mà người lao động nước ngoài phải chấp hành, một số điều cần phòng ngừa khi lao động ở nước ngoài, việc vay vốn và chuyển tiền thu nhập về nước, phong tục tập quán của nước tiếp nhận... Các thông tin phải được đưa công khai. Các nước tiếp nhận lao động di cư cần xây dựng đường dây nóng để bảo vệ người lao động di cư.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước về lao động di cư còn cho rằng: Riêng đối với Việt Nam cần sớm thành lập trung tâm hỗ trợ thông tin, lộ trình giảm mức phí đối với người đi xuất khẩu lao động, biện pháp kiểm soát mức phí của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và cơ chế để giải quyết những kiến nghị, khiếu nại của người đi xuất khẩu lao động.

P.V