Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhất trên thế giới
Về kiến nghị này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng vừa có văn bản tham gia ý kiến. Theo đó, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội chỉ được cân nhắc điều chỉnh tăng có lộ trình trong Luật Bảo hiểm xã hội 2007. Từ Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đến dự thảo Luật (sửa đổi) hiện nay đều không xem xét đến vấn đề này, để đảm bảo tính ổn định, bền vững. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam tương đương một số nước như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia… nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới.
Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam. Như vậy, hiện nay tỷ lệ tích lũy, tức tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng với một năm đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam bình quân là 2,14% đối với nam và 2,5% đối với nữ, trong khi các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc tỷ lệ này chỉ là 1%; bình quân của thế giới cũng chỉ khoảng 1,7%.
Theo đại diện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện Việt Nam theo mô hình tính mức hưởng trước nên mức đóng luôn phải đuổi theo nhằm cân đối độ bền của Quỹ hưu trí tử tuất, các hiệp hội đang so sánh với nhiều nước có mô hình đóng-hưởng bảo hiểm xã hội không tương đồng với nước ta.
Về nguyên tắc mức hưởng chế độ hưu trí được xác định trên hai yếu tố là thời gian đóng (để tính ra tỷ lệ hưởng) và mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất điều chỉnh giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, để nhiều người lao động được hưởng lương hưu hơn.
Tuy nhiên, dự thảo luật không đề xuất việc tăng mức đóng cũng như không đề xuất giảm tỷ lệ hưởng lương hưu để bù đắp việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp này. Do đó, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng việc các doanh nghiệp đặt vấn đề giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội sẽ đồng nghĩa với việc phải xem xét giảm tỷ lệ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (tỷ lệ hưởng lương hưu) dẫn đến giá trị thực mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ thấp hơn so với thời gian đóng tối thiểu 20 năm. Vì thế không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Việt Nam.
TTXVN