Việt Nam luôn chủ động, tích cực thực hiện các cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày 10-10, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) tổ chức Hội nghị đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị, thông tin về Báo cáo đặc biệt của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu (Báo cáo 1,5 độ C) đã công bố rộng rãi.
IPCC là cơ quan toàn cầu đánh giá về khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu. IPCC được giao nhiệm vụ xây dựng báo cáo 1,5 độ C để các quốc gia xem xét tại Hội nghị lần thứ 24 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP24) được tổ chức tại Ba Lan vào tháng 12 năm nay. Báo cáo vừa được đại diện các quốc gia thảo luận tại Hàn Quốc, từ ngày 2 đến ngày 5-10-2018. Theo báo cáo, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5 độ C so với 2 độ C sẽ giảm tác động đến hệ sinh thái, sức khỏe con người để dễ dàng đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
“Việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu lên 1,5 độ C sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội. Với lợi ích rõ ràng đối với người dân và hệ sinh thái tự nhiên, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5 độ C so với 2 độ C có thể đi đôi với việc đảm bảo một xã hội bền vững và công bằng hơn”. Chủ tịch IPCC Lee, ông Hoensung Lee nhấn mạnh.
Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia của UNDP cho biết: Báo cáo của IPCC đã nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu mà có thể tránh được bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu thêm 1,5 độ C, nhưng thời gian hành động sắp hết. Đổi mới khí hậu là điều cần thiết, giống như cải cách kinh tế toàn diện Việt Nam đã triển khai từ 40 năm trước để giảm phát thải khí nhà kính và tạo công ăn việc làm xanh, hướng đến một xã hội có sức chống chịu và bền vững hơn.
Báo cáo nêu bật một số tác động của biến đổi khí hậu có thể tránh được bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu 1,5 độ C so với 2 độ C, hoặc nhiều hơn. Ví dụ, đến năm 2100, mực nước biển dâng toàn cầu sẽ thấp hơn 10 cm với sự nóng lên toàn cầu là 1,5 độ C so với 2 độ C. Khả năng xảy ra băng tan ở Bắc Băng Dương trong mùa hè sẽ chỉ có một lần trong mỗi thế kỷ với sự nóng lên toàn cầu là 1,5 độ C, so với ít nhất một lần mỗi thập kỷ với mức tăng là 2 độ C. Rạn san hô sẽ giảm 70 - 90% khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C, trong khi hầu như tất cả (trên 99%) sẽ bị mất đi khi nhiệt độ tăng 2 độ C.
“Một trong những thông điệp chính từ báo cáo này là chúng tôi đã nhìn thấy hậu quả từ sự nóng lên toàn cầu thêm 1 độ C là thời tiết khắc nghiệt hơn và mực nước biển dâng cao trong số những thay đổi khác. Với tốc độ nóng lên như hiện tại, thế giới sẽ có khả năng tăng thêm 1,5 độ C trong khoảng từ năm 2030 đến 2052”, Ông Panmao Zhai, đồng Chủ tịch của Nhóm công tác 1 của IPCC lưu ý.
Tại hội nghị các vấn đề nỗ lực toàn cầu trong thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nỗ lực của Việt Nam nhằm đóng góp cho mục tiêu toàn cầu, nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, công thương, giao thông, xây dựng, y tế; sự hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam... Ngay sau hội nghị, Ban tổ chức đã tổ chức họp báo trao đổi với những nhà quản lý, đại diện các tổ chức quốc tế... về những vấn đề liên quan đến nội dung Hội nghị đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu.
T.TRUNG