Việt Nam phải vào nhóm dẫn đầu về môi trường kinh doanh trong ASEAN
(Cadn.com.vn) - Ngày 25-8, tại Đà Nẵng diễn ra Hội nghị giao ban cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh mới. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cùng Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết và hơn 150 đại biểu tham dự.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị. |
Đà Nẵng phải vươn tầm khu vực
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết cho biết, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19 về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, Đà Nẵng đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết công việc, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, cương quyết xử lý những trường hợp gây nhũng nhiễu, phiền hà đối với DN và người dân.
Điển hình, các thủ tục đăng ký kinh doanh, thuế, cấp con dấu đều tập trung một cửa liên thông. Hiện đại hóa công nghệ thông tin, xây dựng mô hình chính quyền điện tử, từ đó xây dựng nền hành chính công. Xây dựng chính sách hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ sản xuất sản phẩm lưu niệm. Thành lập Quỹ DNNVV, chuẩn bị thành lập Quỹ Khởi nghiệp và thành lập KCN nhỏ và vừa cho DN hỗ trợ cho DN...
Ông Vũ Tiến Lộc cũng đánh giá Đà Nẵng là thành phố có những sáng kiến và đi đầu trong việc cải tiến môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN. Qua tiếp xúc với cộng đồng DN Đà Nẵng, hầu hết cho biết hài lòng với chính quyền thành phố. Ông Lộc đánh giá, chưa bao giờ quan hệ giữa cộng đồng DN và chính quyền thành phố lại “mặn nồng” đến như vậy. “Qua những câu chuyện rất cụ thể, có lẽ đây là giai đoạn tuần trăng mật giữa chính quyền thành phố với DN” - ông Lộc ví von.
Theo ông Lộc, Chính phủ và VCCI đánh giá Đà Nẵng đã có những đóng góp rất lớn vào việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Chỉ tiêu quan trọng nhất minh chứng cho điều này đó là 5 năm Đà Nẵng đứng đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Do đó, trong giai đoạn tới, Đà Nẵng không chỉ dừng lại là thành phố dẫn đầu tại Việt Nam mà phải là một trong những thành phố dẫn đầu ASEAN về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Tổng Cty Dệt may Hòa Thọ đã và đang tạo dựng được uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. |
Đẩy mạnh cải cách thể chế
“Suốt bao nhiêu năm Việt Nam vẫn thuộc nhóm 4 nước kém phát triển nhất Đông Nam Á, vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 với quyết tâm cải cách bằng triết lý vô cùng đơn giản: các nước làm được, thì Việt Nam phải làm được. Mục tiêu trong vòng 3 năm, môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính của Việt Nam phải vươn lên nhóm 4 nước hàng đầu ASEAN” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Ông Lộc phân tích: Khi gia nhập nền kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam phải tuân thủ các nguyên tắc kinh tế thị trường. Nguyên tắc ở đây là phân định rõ vai trò của Nhà nước và DN. Theo đó, Nhà nước không làm kinh doanh, Nhà nước kiến tạo, làm thể chế, xây dựng sân chơi, làm trọng tài, còn việc làm ăn là để cho DN, người dân. Trong bối cảnh hiện nay thì DN là chủ công, là trung tâm của sự phát triển, nên Nhà nước phải hỗ trợ, nuôi dưỡng.
Dưới góc độ DN, ông Nguyễn Hà Giang - Chủ tịch HĐQT Cty Cơ khí Hà Giang Phước Tường kiến nghị: Nhà nước tiếp tục hỗ trợ DN trong công tác đổi mới công nghệ, thực hiện có hiệu quả phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, làm cầu nối giúp các DN kết nối cung - cầu tiêu dùng các sản phẩm của nhau, liên kết để nâng cao sức cạnh tranh...
Đại diện nhiều DN cũng cho rằng, để DN phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, các cơ quan làm luật và thực thi luật cần lắng nghe ý kiến, kiến nghị của DN nhiều hơn, tăng cường đối thoại, gỡ vướng cho DN...
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, các kiến nghị của DN liên quan đến thể chế, chính sách được gửi VCCI thì VCCI gửi lên Thủ tướng và Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có liên quan trả lời cho DN.
Xuân Đương