Báo Công An Đà Nẵng

Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình

Thứ ba, 06/05/2014 23:47

(Cadn.com.vn) - Chiều 6-5, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì về việc giàn khoan HD-981 và nhiều tàu của Trung Quốc hoạt động tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam từ ngày 1-5 đến nay.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm
với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Tại cuộc điện đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Mỹ điều tra việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào biển Việt Nam

Mỹ ngày 6-5 tuyên bố đang điều tra việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan dầu khổng lồ vào vùng biển Việt Nam, hoạt động mới nhất chứng tỏ sự quyết đoán vô lý của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.

Theo Reuters, động thái này diễn ra chỉ chưa đến 1 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc chuyến công du Châu Á, nhấn mạnh cam kết bảo vệ các đồng minh, bao gồm cả Nhật Bản và Philippines vốn đang bị mắc kẹt trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Ông Daniel Russel - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, Nhà Trắng đang xem xét vụ việc trên, đồng thời kêu gọi tất cả các bên thận trọng. “Chúng tôi tin rằng, điều quan trọng là mỗi nước có tuyên bố chủ quyền thể hiện sự thận trọng và kiềm chế”, ông Daniel Russel trả lời báo giới tại Hồng Kông trước thềm chuyến thăm Việt Nam vào hôm nay (7-5).

T.Nguyên

Việc làm này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam. Việt Nam không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác theo đúng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, phù hợp với các quy định và thực tiễn Luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không để vấn đề này tổn hại đến sự tin cậy chính trị và hợp tác giữa hai bên.

Trước đó, chiều 4-5, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ phía Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ phía Trung Quốc Lưu Chấn Dân giao thiệp nghiêm túc về vụ việc trên.

Cũng trong ngày 4-5, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại biện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Nội dung Công hàm nhấn mạnh hoạt động của giàn khoan HD-981 và tàu Trung Quốc đã “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như đã vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước, tinh thần và lời văn của Tuyên bố DOC, các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế”; yêu cầu Trung Quốc “rút ngay giàn khoan nói trên cùng các tàu, thiết bị, nhân sự có liên quan ra khỏi khu vực lô 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam và không để tái diễn các hành động tương tự”.

Cuối cùng, Công hàm khẳng định “Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, sẵn sàng thông qua các cơ chế đàm phán song phương để giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, bất đồng trên biển giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc".

TTXVN