Báo Công An Đà Nẵng

Viết tiếp câu chuyện CSKV đi xe đạp

Thứ ba, 25/03/2014 23:00

(Cadn.com.vn) - Dạo rày, hình ảnh Cảnh sát khu vực (CSKV) đi xe đạp xuống với dân tại cơ sở đã trở nên quen thuộc...

Mỗi khi nhìn thấy hình ảnh mấy anh CSKV trẻ măng đạp xe trên từng góc phố, tôi lại nhớ đến Trung tá Huỳnh Kim Nhẫn, Trưởng CAP Thanh Bình (Q. Hải Châu) có lần tâm tình về buổi đầu thực hiện mô hình CSKV đi xe đạp: “Hồi đó nhiều người cho rằng CAP Thanh Bình ngược đời. Bởi lẽ phương tiện ngày càng hiện đại, để nhanh chóng xuống địa bàn, sao CSKV không đi xe máy cho nhanh? Có người còn “chất vấn”: lỡ CSKV xuống địa bàn rồi thấy trộm cắp, cướp giật xảy ra thì đứng nhìn à?...”.

Đúng là vào thời điểm đó, rất nhiều người tỏ ra quan ngại, thậm chí cho rằng sẽ hình thức và không hiệu quả khi sử dụng mô hình này. Bởi vậy mà tại một Hội nghị của CATP, khi Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc CATP Đà Nẵng nói về chuyện CSKV đi xe đạp, tôi chăm chú lắng nghe. Đồng chí Giám đốc nêu rõ: “Nếu CAP nào chưa mua được xe đạp thì lập danh sách báo cáo CATP hỗ trợ kinh phí. CSKV phải sát dân mọi nơi mọi lúc, nên chiếc xe đạp là phương tiện giúp CSKV hoàn thành tốt công việc, đặc biệt là tạo nên hình ảnh người công an thân thiện, gần gũi, gắn bó mật thiết với dân”.

Thực tế cho thấy, từ khi đưa mô hình này vào hoạt động, vượt qua bỡ ngỡ, ngại ngùng ban đầu, những cái nhìn hiếu kỳ cũng dần thay đổi, đến nay hầu hết CSKV đều sử dụng phương tiện này để hoạt động, đạt kết quả cao trong công việc và quan trọng nhất là được nhân dân đồng tình ủng hộ. CSKV đi xe đạp đã quen đến nỗi có người còn bảo khi thấy những ai mang sắc phục CA mà đi xe máy hay bằng các phương tiện khác, người dân biết đấy không phải là... CSKV.

Đã có nhiều cách đánh giá, nhiều lời ngợi khen về sự thành công của mô hình này, nhưng có lẽ ấn tượng nhất ở chỗ, mô hình này đã  góp phần tạo ra sự thân thiện của lực lượng CAND trong nhân dân.

Hình ảnh CSKV đi xe đạp, thoạt nhìn giản đơn như vậy nhưng lại mang ý nghĩa rất hữu ích: người dân cảm nhận được sự gần gũi, thân thiết của chiến sỹ công an như là con em của họ. Những nguồn tin tố giác tội phạm, tình hình về đời sống nhân dân, các vấn đề nổi cộm về ANTT , kể cả hoàn cảnh cụ thể của bà con cũng được CSKV nắm bắt được nhiều hơn.

Từ đó, các giải pháp để giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra cũng kịp thời hơn. Mặt khác, không riêng gì đối với CSKV mà các lực lượng khác thuộc CATP Đà Nẵng cũng nhìn vào đồng đội của mình - CSKV đi xe đạp, như luôn được nhắc nhở về thái độ về cách ứng xử, về bổn phận và trách nhiệm của mình trước dân.

Chuyện CSKV CATP Đà Nẵng đi xe đạp được nhân dân và nhiều phương tiện truyền thông ngợi khen. Dù vậy, trong lần trả lời phỏng vấn Báo Công an TP Tết Giáp Ngọ vừa rồi, với tựa đề “Bài học lòng dân không bao giờ cũ”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn nhắn nhủ: “Những lời khen của dân đối với lực lượng Công an là điều đáng trân trọng, đáng quý, bởi chẳng có báo cáo thành tích nào chân thực, ý nghĩa hơn sự ghi nhận của nhân dân. Đó thực sự là nguồn động viên rất lớn đối với lực lượng CATP. Chúng ta vui mừng đón nhận lời khen nhưng cũng không nên xem đó như chiến tích, mà phải xem tất cả chúng ta đã thực sự xứng đáng chưa, còn điều gì ái ngại trong lòng hay không, và nhất là phải làm gì để những lời khen ấy tồn tại lâu dài, những việc tốt ngày càng nhiều hơn”.

Trở lại câu chuyện CSKV đi xe đạp, mô hình này rõ ràng đã phát huy được hiệu quả, song để được dân tin yêu và giúp đỡ hơn nữa, để lời khen của dân được tồn tại lâu dài thì  điều quyết định vẫn là thái độ ứng xử, là tấm lòng vì dân và hiệu quả trong công việc của mỗi cán bộ chiến sĩ Công an.

Nguyễn Đức Nam