Viết tiếp những phận đời...
Hoàn thành xong chương trình lớp 9, Nguyễn Ngọc Quỳnh Như (2003, tạm trú P. Hòa Thọ Đông, Q .Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nghỉ học, ở nhà chăm sóc cha bị bại liệt để chị gái Nguyễn Ngọc Thanh Thư (1999) đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống cho cả gia đình. Sự hiếu thảo của hai chị em vẫn không níu giữ cha ở lại trần gian. Khi các bạn cùng trang lứa bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 thì hai chị em cùng người thân chuẩn bị làm tuần lần thứ hai cho cha...
Hai chị em Thư và Như |
Tuổi thơ không trọn vẹn
Đứng trước cửa phòng nơi hai chị em Quỳnh Như và người cha bại liệt thuê ở hơn một năm nay tại chung cư Hòa Thọ Đông, tôi tưởng đã tìm sai địa chỉ do bà Lê Thị Tám- Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP- cung cấp. Bởi, qua cánh cửa phòng khép hờ, đập vào mắt tôi là bàn thờ mới lập với di ảnh nam thanh niên có gương mặt rất thư sinh, khác họ với nhân vật tôi cần tìm gặp. Tôi quay xuống hỏi thăm, một người ở cùng dãy chung cư cho hay, đó đúng là địa chỉ tôi cần tìm. Cha Như vừa qua đời cuối tháng 6 -2021.
Khi tôi quay lại thì chị gái Như vừa đi đâu đó về. Đó là một cô gái có vóc dáng mình hạc, gương mặt thanh thoát, nhẹ nhõm. Nghe tiếng chị gọi, Như từ phòng ngủ bước ra. Trong trang phục ở nhà, Như giống như một HS đầu cấp THCS. Nhìn vẻ mặt bơ vơ, bần thần của hai chị em trước bàn thờ cha, bất giác tôi áy náy vì sự xuất hiện không báo trước của mình. Tôi tế nhị hỏi: “Cho cô xin lỗi nếu hỏi điều gì không phải. Di ảnh cha chụp hồi nào mà trông trẻ quá vậy? Sao cha họ Lê mà hai đứa lại họ... Nguyễn?”. Thư cho hay, trước giải phóng để trốn đi quân dịch, ông nội đã đổi họ; còn di ảnh cha thì được làm từ ảnh thẻ CMND...
Trước khi xảy ra biến cố, nhà cha mẹ Thư - Như ở trong con hẻm đường 2-9, thuộc P. Hòa Cường Nam (Q. Hải Châu). Cha là thợ sửa điện nước tư nhân, mẹ buôn bán. Lúc Thư đang học năm cuối THCS, Như học năm cuối bậc tiểu học và em trai út được vài tuổi thì nhà có biến. Còn nhỏ nên hai chị em không biết vì sao ba mẹ phải bán nhà để đi ở nhà thuê. Sau hơn một năm rưỡi sống cảnh nhà thuê, một hôm, mẹ bồng em trai út bỏ đi đâu không rõ. Lớn hơn một chút, Thư- Như mới biết, do mẹ làm ăn thua lỗ nên phải bán nhà để trả nợ mà vẫn trả không hết. Mẹ buộc lòng phải bồng em trai út đi trốn. Cũng trong thời gian sống cảnh nhà thuê, chân cha có biểu hiện lạ. Ban đầu, ông cứ nghĩ đó là bệnh liên quan đến xương khớp, nhưng đi khám chữa hoài vẫn không hết. Rồi chân ông bắt đầu yếu dần, phải dùng gậy để chống đi. Công việc làm ăn của cha bắt đầu bị trì trệ. “Sau nhiều lần đi khám chữa khắp nơi, ba được chẩn đoán bị bệnh viêm đa rể thần kinh. Rồi ba bị liệt luôn, người co rút lại. Lúc đó, hình như con học lớp 11, còn Như học lớp 7” - Thư nghẹn ngào nhớ lại tuổi thơ không trọn vẹn của hai chị em.
Rạng ngời gương hiếu thảo
Không có mẹ, hai chị em thay phiên nhau vừa đi học, vừa chăm sóc cha. Trước khi chuyển lên chung cư Hòa Thọ Đông, ba cha con có 2-3 năm ở nhờ tại nhà thờ bên nội do không còn đủ tiền để trả tiền thuê trọ.
Học xong hết lớp 12, Thư bỏ giấc mơ thi vào ĐH để đi làm, kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt cho cả nhà. Còn Như vừa đi học, vừa chăm cha. Hết lớp 9, Như nghỉ học ở nhà chăm cha để chị chuyên tâm đi làm, kiếm tiền trang trải cuộc sống cho ba cha con. Toàn bộ chi phí sinh hoạt trong gia đình từ tiền thuê phòng trọ chung cư, điện nước đến các khoản chi tiêu đều trông chờ vào 3 - 4 triệu đồng từ tiền lương của Thư và tiền trợ cấp hàng tháng dành cho hộ nghèo, bệnh tật của cha. Thương cháu vất vả, hiếu thảo, cô ruột thường xuyên mua thức ăn hỗ trợ thêm. “Gia đình ba chỉ có hai anh em. Ông bà nội đều đã mất. Cô đã có gia đình, buôn bán nhỏ nên cũng chẳng khấm khá gì. Đám ma ba cháu do cô con đứng ra lo...” - Thư bùi ngùi chia sẻ thêm.
Tôi hỏi Như: “Khi nghỉ học, con có buồn không?”. Như im lặng, Thư trả lời thay: “Lúc còn đi học, em ấy lên trường cho có, chứ tâm trí để ở nhà nên thành tích học tập không cao. Vì thế học xong lớp 9, hai chị em bàn nhau, thôi thì em ấy nghỉ học ở nhà lo cơm nước, chăm sóc ba. Còn con thì đi làm kiếm tiền trang trải chi tiêu cho gia đình. Tối làm về, con phụ em chăm ba”. Tôi hỏi công việc hàng ngày của Như, em trả lời giản dị: “Dạ. Con ở nhà dọn dẹp, làm vệ sinh, bồng ba lên xe lăn đưa vào phòng vệ sinh để tắm rửa. Rồi nấu cơm, đút cho ba ăn. Chỉ có thế thôi ạ!”. Nhìn vóc dáng bé tí như học sinh lớp 6 của Như, tôi ái ngại: “Con nhỏ thế sao bồng cha được?”. Như cười hiền: “Ba bị liệt nên người rút lại, nhẹ lắm, con bồng được...”. Tôi lặng đi.
Tôi lại hỏi Thư, dịch bệnh thế này, nghỉ việc lấy đâu ra tiền để hai chị em sinh sống. Thư trầm ngâm cho hay, sau đám tang còn một số tiền nhỏ cùng số tiền Như nhận được từ chương trình Vòng tay nhân ái do Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP phối hợp với các tấm lòng hảo tâm tặng, đủ để chị em trang trải... “Hơn nữa, cô chúng con hay mua thức ăn đem lên cho; được bác Ông Văn Bán (Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em kiêm Trưởng ban vận động bếp ăn cho bệnh nhân nghèo P.Hòa Thọ Đông - PV) quan tâm, giúp đỡ. Chính bác giới thiệu hoàn cảnh chúng con cho Hội Từ thiện & bảo vệ quyền trẻ em TP để nhận được số tiền hỗ trợ từ chương trình Vòng tay nhân ái ạ” - Như thổ lộ.
Nói về dự định tương lai của Như, Thư cho hay: “Cháu bàn tính với Như học trường nghề bởi ở đó có dạy luôn kiến thức. Tuy nhiên, chúng cháu đang lo, không biết chi phí học có nhiều không? Trường hợp của em cháu liệu có được miễn giảm học phí không?”- Thư lo âu bộc bạch. Tôi nhã ý muốn chụp hình, hai chị em lẳng lặng đi vào căn phòng của cha, cuốn lại chiếc chiếu trúc ông thường nằm khi còn sống được hai chị em giữ lại. Mắt cả hai chợt đỏ hoe. Điều khiến tôi trân quý hơn cả, suốt cuộc trò chuyện chưa một lần nào Thư-Như than thân trách phận. Đặc biệt không hề oán trách mẹ. Hỏi mẹ có về ở với hai chị em không, Thư cho biết: “Con cũng không biết nữa. Chỉ biết, mẹ hiện giờ rất vất vả để mưu sinh, lo cho em trai ăn học”. Thư cho hay, hôm cha mất, mẹ hai em dắt con trai út về...
Khi giới thiệu cho tôi về trường hợp hai chị em Thư - Như, bà Lê Thị Tám- Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP xúc động nói: “Nhìn hai đứa nhỏ hiếu thảo, chăm sóc cha bại liệt tận tình, chu đáo mà không cầm được nước mắt. Thấy quá thương!”. Ông Ông Văn Bán cho hay, chứng kiến tấm lòng hiếu thảo của hai chị em, ông thương vô cùng. Hễ biết ai có ý định giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn là ông lại giới thiệu trường hợp về hai chị em này. “Tội nghiệp. Hai đứa con gái mới lớn mà chăm sóc cha bại liệt thuần thục như mẹ, chị lớn tuổi. Tôi thương chúng như con cháu, mong cháu Thư tiếp tục được học hành...”- ông Bán trăn trở thổ lộ suy nghĩ.
Chia tay hai chị em, tôi ra về lòng nặng trĩu. Cũng như ông Bán, tôi mong Như tiếp tục được học chữ, học nghề để sau này có tương lai tươi sáng hơn...
P.Thủy