Viết về các vị tướng Quảng Nam
(Cadn.com.vn) - Kỷ niệm 71 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang Quảng Nam (4-5-2016) tôi lại nhớ đến các vị tướng Quảng Nam đã có dịp tiếp xúc. Quảng Nam, quê hương trung dũng, kiên cường trong hai cuộc kháng chiến, cũng là mảnh đất có rất nhiều tướng lĩnh QĐNDVN.
Thiếu tướng Phạm Bân (ngoài cùng bên phải), Trung tướng Phan Hoan (thứ hai từ trái qua) |
Từ bài viết đầu tiên
Vị tướng đầu tiên tôi viết là cố Trung tướng Nguyễn Huy Chương, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 5. Hồi đó là năm 2001, ông vừa cho ra cuốn hồi ký “Chỉ một con đường” và tôi mạnh dạn tìm đến nhà ông ở kiệt 38 Trần Phú, Đà Nẵng. Đó là vị tướng có diện mạo thật đẹp. Ông hay uống nước ngâm hạt ươi làm trà hàng ngày mà ông nói rằng bổ ích cho sức khỏe và rất tốt cho thanh quản. Giọng ông sang sảng, cách nói chuyện khúc chiết, cuốn hút, vì thế luôn được mời đi nói chuyện cho các cơ quan, đơn vị. Cuộc đời ông thật sôi động từ lúc còn tại ngũ cho đến khi rời binh nghiệp. Về hưu, ông giữ nhiều chức vụ “không lương” ở thành phố, tâm huyết như ngày nào chỉ huy các trận đánh. Ông đặc biệt dành nhiều thời gian cho khuyến học.
Với ông, lúc nào cũng “chỉ có một con đường”. Đó là con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn. Đó là lí tưởng cộng sản cao đẹp, là niềm tin không gì lay chuyển nổi vào thắng lợi của cách mạng. Lúc viết về ông, tôi mới vào nghề chưa lâu, chắc thấy tôi trẻ, ông bảo “Cháu viết xong phải đưa bác xem trước nhé. Có từ ngữ nào chưa chuẩn bác sửa cho”. Bài báo “Trung tướng Nguyễn Huy Chương và chỉ một con đường” của tôi được đánh giá tốt là có một phần nhờ sự góp ý của ông. Khi mổ tim khá hiểm nghèo ở Bệnh viện Trung ương 108, ông vượt qua ngoạn mục, vậy mà đêm trước chuẩn bị để nói chuyện trước đài truyền hình, ông đã ra đi mãi mãi. Tôi đến thắp hương mà thương tiếc vô hạn như chính người thân của mình.
Viết về tướng lĩnh có hai cái khó: Viết khen ngợi nhiều, dễ bị bạn đọc bảo là... nịnh nọt. Người được khen cũng ngại ngùng. Nhưng viết non tay, chưa “tới” thì nhân vật sẽ mờ nhạt, không ấn tượng. Phải làm sao dung hòa được cả hai yếu tố này để người đọc thấy thỏa đáng, ngưỡng mộ và học tập thế hệ tiền bối. Người được viết thêm tự hào về những năm tháng chiến đấu cho cách mạng và tiếp tục cống hiến khi về đời thường. Một yếu tố quan trọng nữa là phải nắm chắc lịch sử. Chỉ cần một chi tiết sai là phá hỏng cả bài viết. Bạn đọc không còn tin nhân vật, dù đó là do lỗi người cầm bút.
Vượt qua cái ngưỡng đầu tiên e dè khi viết về các nhân vật tiền bối, tôi hào hứng “xông lên” viết về các vị tướng quê Quảng Nam. Với Trung tướng AHLLVTND Phan Hoan là “Trung tướng Phan Hoan và “Những năm tháng đời tôi”; “Trung tướng Phan Hoan, một nghị lực phi thường”; Thiếu tướng Vương Tuấn Kiệt “Vị tướng có cái tên đẹp từ chiến trường”, “Kết nạp Đảng ở khu Mả Vôi”; Trung tướng Nguyễn Văn Tuyên “Tỏ tình... tinh tướng”, Trung tướng Nguyễn Văn Thảng “Cán bộ chính trị cũng phải xung trận”, Trung tướng AHLLVTND Nguyễn Trung Thu “Vị tướng và bức tượng bà mẹ Cam-pu-chia”, “Ba Tư lệnh Quân khu 5 là anh hùng”; Trung tướng Lê Chiêm “Đó là một tính cách”, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn “Nước Nga một thời để nhớ”, “Từ Vu Gia đến Von-ga”... Những bài viết đều được đăng ở nhiều tờ báo quân đội và địa phương. Đây là các bài báo độc lập, còn nhiều vị tướng được viết chung với các nhân vật khác. Và cũng có nhiều vị tướng nổi tiếng người Quảng Nam ở khắp mọi miền đất nước, dẫu rất muốn viết nhưng tôi chỉ biết “kính nhi viễn chi”.
Các tướng lĩnh quê Điện Bàn (Quảng Nam) tại lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng Điện Bàn (3-2015). Ảnh: Hồng Vân |
Đến cơ duyên với đề tài tướng lĩnh
Viết dễ nhất là các vị tướng đã có hồi ký, hoặc đi công tác cùng thủ trưởng nên miêu tả “người thật việc thật”, còn lại thường vô cùng nhọc nhằn. Bởi vì kỷ niệm chiến trường mấy mươi năm binh nghiệp của các thủ trưởng rất nhiều, nhưng chọn đề tài hấp dẫn, mang tính báo chí là cả vấn đề. Tôi dành nhiều thời gian đọc hồi ký của họ. Thường là một phần tính cách nhân vật thể hiện rõ trong hồi ký. Tôi cũng hay đọc cuốn lịch sử của từng đơn vị nơi các thủ trưởng đã công tác để thấy dấu ấn người chỉ huy. Một số nhân vật, sợ viết theo cảm xúc chủ quan, tôi phải nhờ đến những cán bộ có uy tín đang tại chức hoặc đã về hưu “tham mưu”, đóng góp ý kiến, cho những nhận xét xác đáng.
Hoặc có khi đi trên xe giữa các cựu chiến binh, tôi cố lái khéo câu chuyện cho họ nói về các tướng lĩnh (thường là kênh này rất chính xác), rồi ghi chép để có dịp thì sử dụng tư liệu. Có bài viết không chỉ tìm hiểu trong nước mà có sự trợ giúp của Quân khu 1 Campuchia như bài viết về Thiếu tướng Trần Ngọc Yến. Ở bài viết này, tôi đã qua tận Campuchia (kết hợp công tác) tìm hiểu từ các tướng lĩnh bên nước bạn. Có trường hợp tôi nói chuyện hai ngày với thủ trưởng (tất nhiên là tranh thủ mỗi lần chừng vài tiếng) ghi đầy sổ nhưng không biết làm sao để xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau. Định bỏ cuộc thì thủ trưởng chợt nhớ kể một câu chuyện nhỏ thế là tôi bật ra ý tưởng và tập trung khai thác đề tài này.
Với tôi, không phải đến khi họ mất mới cuống quýt viết bài mà với những vị tướng có nhiều công lao với quân đội như Trung tướng AHLLVTND Phan Hoan, tôi thường đến thăm khi ông có gần chục năm bệnh tật không đi lại được. Những câu chuyện con cháu ông hay đồng đội kể, tôi đều nhớ. Chiều 23-6-2014, ông từ trần thì ngày 25-6, bài viết của tôi “Trung tướng Phan Hoan, một nghị lực phi thường” đã xuất hiện trên báo Quân đội nhân dân. Không hẹn mà gặp, rất nhiều người đến viếng thủ trưởng đã mang tờ báo Quân đội tặng gia đình ông. Hay trường hợp viết về Thiếu tướng Vương Tuấn Kiệt, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5. Năm đó ông đã 95 tuổi, trí nhớ không liền mạch. Viết về ông khá vất vả vì phải qua rất nhiều nhân chứng. Từ bài viết, truyền hình đã làm phim về ông nhân ngày thành lập Đảng. Vài tháng sau, ông mất. Cô con gái của ông nói rằng, nhờ bài báo và truyền hình VTV Đà Nẵng, mọi người thêm hiểu và kính trọng ông, một vị tướng có nhiều công lao ở Mặt trận Tây Nguyên trong chống Mỹ, cứu nước.
Có vốn “lận lưng” từ các bài viết về vị tướng Quảng Nam, tôi được các thủ trưởng hoặc đồng đội thủ trưởng tin tưởng để có thể thâm nhập và khai thác thuận lợi. Đó là trường hợp viết về Thượng tướng AHLLVTND Nguyễn Chơn, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Trung tướng Tiêu Văn Mẫn, Trung tướng Đào Duy Minh... ở các miền quê Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Ngãi. Nhiều bài viết đã được đăng trong tập “Chuyện kể về tướng lĩnh Việt Nam” do nhà xuất bản QĐND ấn hành.
Đồng nghiệp bảo tôi có “duyên” viết về các vị tướng, đặc biệt là các vị tướng Quảng Nam. Tôi lại nghĩ khác. Viết về tướng lĩnh là giúp cho bạn đọc thêm hiểu về thế hệ đi trước để từ đó thấy mình sống có ích hơn với đất nước và nhân dân như cha ông đã làm. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi nhà báo.
Hồng Vân