Vietinbank đồng hành cùng với Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều doanh nghiệp và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo khó. Là doanh nghiệp nên Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng phát huy truyền thống tương thân, tương ái và trách nhiệm với cộng đồng xã hội, VietinBank đã tích cực đồng hành cùng với Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Phóng viên (P.V) Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Văn Hào, Giám đốc VietinBank Đà Nẵng.
VietinBank Đà Nẵng hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn TP Đà Nẵng. |
P.V: Ông có thể cho biết những hỗ trợ cụ thể của VietinBank nói chung và của VietinBank Đà Nẵng nói riêng đối với những khách hàng của mình và những hành động đóng góp cho xã hội trong thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19 ?
Ông Lê Văn Hào: Trong nhiều năm qua, VietinBank nói chung, VietinBank Đà Nẵng nói riêng đã thực hiện tốt các chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về chính sách tiền tệ, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành Ngân hàng, kinh tế - xã của địa phương. Với tinh thần chủ động đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời thực hiện đúng chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, VietinBank đã thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ khách hàng. Bên cạnh việc phải đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh an toàn, lành mạnh, nhất là tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng giao dịch; chúng tôi tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bằng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 của Ngân hàng Nhà nước và Quyết định 345/2020/QĐ-TGĐ-NHCT9 ngày 19-3-2020 của VietinBank. Tính đến thời điểm 30-4-2020, chỉ tính riêng VietinBank Đà Nẵng, chúng tôi đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ gốc hơn 133 tỷ đồng, lãi hơn 36 tỷ đồng; cho vay với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp và khách hàng bán lẻ theo các gói hỗ trợ đến 582 khách hàng, số tiền giải ngân hơn 2.321 tỷ đồng; thu nhập từ hoạt kinh doanh của VietinBank Đà Nẵng dự kiến đến cuối quý 2-2020 sẽ sụt giảm khoảng 127 tỷ đồng, tương ứng với số tiền đã hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Ban lãnh đạo Vietinbank thông qua Chương trình “Ngân hàng gạo nghĩa tình” với thông điệp “Không ai bị bỏ lại phía sau – Cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng”, từ nguồn tiền quyên góp của CBNV trong đơn vị, ngày 7-5-2020, VietinBank Đà Nẵng đã chủ động hỗ trợ 700 suất gạo cho các hộ gia đình khó khăn tại các phường trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ngày 9-5-2020, Vietinbank Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ 500 suất gạo tại xã Hòa Bắc (H. Hòa Vang) từ Chương trình “Ngân hàng gạo nghĩa tình” của Hội sở VietinBank.
P.V: Nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, từ đó làm gia tăng rủi ro ngân hàng. Trước bối cảnh như vậy, Vietinbank Đà Nẵng có những giải pháp gì?
Ông Lê Văn Hào: Ngân hàng chúng tôi hoạt động trong hệ sinh thái kinh doanh (Business Ecosystem) gồm đa dạng các đối tượng hoạt động trong nền kinh tế, mà ngân hàng như một trung tâm tiền tệ, cầu nối tài chính của các mối quan hệ kinh tế đó. Do đó, sự liên kết, tương tác với các đối tác là vô cùng chặt chẽ và cộng sinh. Khi một sự cố xảy ra như Covid 19 làm hệ sinh thái này suy yếu, thì rõ ràng ngân hàng chúng tôi là người chịu ảnh hưởng vô cùng to lớn và đầu tiên, hay nói cách khác là mọi khó khăn của đối tác đều tác động tiêu cực đến ngành ngân hàng. Như tôi đã nói, trong tình hình hiện nay, một mặt chúng tôi phải chủ động, nghiên cứu các phương án hỗ trợ khách hàng, nhưng một mặt chúng tôi phải đảm bảo duy trì hoạt động một cách lành mạnh, an toàn. Đây là bài toán khó, mà khó sẽ chồng khó nếu khách hàng không có tinh thần chủ động, ỷ lại, thiếu năng lực vượt khó. Trước tình hình đó, chúng tôi xác định khó khăn chỉ là tạm thời phải vượt qua, đồng thời là thời điểm để tìm giải pháp kinh doanh mới, cơ hội mới như: kiện toàn đội ngũ nhân sự, mạng lưới, rà soát và cơ cấu lại danh mục kinh doanh theo hướng hiệu quả, an toàn và có khả năng kiểm soát được rủi ro; tăng cường tìm kiếm, hợp tác với các “đồng đội” là đối tác, khách hàng có đạo đức, uy tín, có năng lực tự chủ và vượt khó tốt, đặc biệt là biết đồng hành cùng nhau phát triển trong cả lúc thuận lợi lẫn lúc khó khăn, đóng góp vào sự thành công chung của địa phương và xã hội.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông !
PHÚ NAM (thực hiện)