VietinBank kiến nghị duy trì lộ trình tăng phí BOT
(Cadn.com.vn) - Ngày 26-4, Đoàn giám sát số 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT). Đoàn giám sát do Phó trưởng đoàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Hữu Quang dẫn đầu.
Đại diện Ngân hàng VietinBank cho biết, tính đến hết năm 2016, tổng dư nợ tín dụng của 31 dự án có sự tham gia tài trợ của VietinBank với tư cách là tổ chức tín dụng duy nhất cấp tín dụng và đồng tài trợ là 27.885 tỷ đồng. Các dự án BOT được Ngân hàng tài trợ đều được giám sát sử dụng vốn vay thường xuyên, đúng quy định, việc sử dụng vốn của Liên danh Nhà đầu tư là đúng mục đích. Toàn bộ dư nợ tín dụng cho các dự án BOT tại VietinBank đều là nợ đủ tiêu chuẩn, không có nợ quá hạn, nợ xấu. VietinBank kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải có chính sách duy trì lộ trình tăng phí như đã cam kết tại các hợp đồng BOT đã ký trước đây, nhằm đảm bảo nguồn thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT, đáp ứng đầy đủ khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ với ngân hàng theo các tính toán về dòng tiền của Ngân hàng thẩm định.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi, làm rõ thêm nhiều vấn đề như: căn cứ để VietinBank quyết định cho vay dự án giao thông BOT; quá trình đánh giá, thẩm định tài sản bảo đảm; sự tham gia của Ngân hàng trong kiểm soát thu phí; những rủi ro chính sách khi cho vay dự án giao thông BOT... Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Hữu Quang đánh giá cao việc Ngân hàng Vietinbank trong thời gian qua đã tham gia tích cực vào việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc huy động nguồn vốn để nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện ở số vốn VietinBank đã huy động cho các dự án giao thông BOT.
Để việc đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT đạt hiệu quả trong thời gian tới, Phó trưởng đoàn Nguyễn Hữu Quang đề nghị Ngân hàng cần tiếp tục xác định rủi ro cụ thể trong việc tài trợ cho các dự án BOT. Do BOT là hình thức đầu tư đặc thù, Ngân hàng không thể đưa ra tiêu chí chung để cho vay mà cần xác định các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với từng dự án. Bên cạnh đó, VietinBank cần tăng cường giám sát nguồn thu đồng thời nhân rộng giải pháp thu phí không dừng. Đặc biệt, Ngân hàng cần chuẩn bị các giải pháp ứng xử với sự thay đổi trong tương lai đối với các dự án BOT đã triển khai. Ngoài ra, VietinBank cần khẩn trương xử lý những tồn tại mà Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện trong thời gian qua, nhất là những dự án có biểu hiện vi phạm để xử lý nghiêm khắc. Đối với vấn đề lựa chọn khách hàng, Ngân hàng cần nâng cao tính tự chủ, tính toán kỹ trên cơ sở khả năng thu hồi vốn và nguồn lực của dự án.
* Sáng 26-4, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng Đoàn đã giám sát việc công khai kết luận thanh tra tại Bộ Giao thông Vận tải. Báo cáo việc công khai kết luận thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải, ông Lê Thanh Hà, Chánh Thanh tra Bộ cho biết: Trong năm 2016 và quý I – 2017, thanh tra Bộ đã chủ trì thực hiện 49 cuộc thanh tra, trong đó có 35 cuộc thanh tra hành chính, 14 cuộc thanh tra chuyên ngành, đã ban hành 54 kết luận thanh tra. Trong lĩnh vực thanh tra hành chính, đến hết quý I-2017 có 29 cuộc đã hoàn thành, 3 cuộc đang xây dựng dự thảo báo cáo kết quả thanh tra và 3 cuộc đang tiến hành thanh tra tại đơn vị, tham mưu lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải ký ban hành 34 kết luận thanh tra. Qua 34 kết luận thanh tra, đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 21,7 tỷ đồng, kiến nghị xử lý kinh tế khác với tổng số tiền hơn 3.953 tỷ đồng.
Phan Phương – TTXVN