Báo Công An Đà Nẵng

“Vịn” nỗi đau đứng lên

Thứ năm, 22/10/2015 09:00

(Cadn.com.vn) - Chồng mất sau một vụ tai nạn thương tâm khi chị mới 38 tuổi. Sau hơn 20 năm vò võ một mình nuôi 6 đứa con, nay nhìn lại, chị thấy mình đã có một khối “tài sản kếch sù” là sự thành đạt của cả 6 cậu con trai.

Quê gốc xã Lộc Thủy, H. Phú Lộc, TT–Huế, thời con gái, chị Nguyễn Thị Hảo đẹp mặn mà nên được chàng trai ở Phước Tượng yêu thương và dạm hỏi làm vợ. Năm 1979, họ sinh con trai đầu lòng và sau đó lần lượt 3 cậu con trai nữa chào đời. Hồi đó, ở vùng đất nghèo ấy không biết làm gì ngoài việc lên rừng xuống biển để bắt chim, bắt cá sống qua ngày. Năm 1988, vợ chồng chị Hảo quyết định vào Nam, tìm đường thay đổi số phận. Ngày đi, cả dòng họ tiễn chân dẫu chẳng có ai tin tưởng vào quyết định của anh chị. Bởi lẽ, suy nghĩ ăn sâu bao đời của người dân nghèo nơi đó là sống ở làng, chết cũng ở làng. Tài sản duy nhất anh chị mang vào Nam ngoài 4 đứa con trai là chiếc sập đựng lúa. 10 ngày ròng rã trên chuyến tàu Thống nhất từ Huế vào miền Nam, đến vùng Đông Nam Bộ, vợ chồng chị Hảo chọn Vũng Tàu làm nơi “cắm dùi”. Chị bảo: “Không hiểu sao nói đi làm kinh tế mới, vậy mà không giống như bao người khác, vợ chồng tui lại chọn một vùng đất “không có đất” để “canh tác”. Đó là khu chợ tại xã Xà Bang, H. Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Lập nghiệp ở xứ người, chồng chạy xe thồ, vợ buôn bán tạp hóa cạnh chợ, cuộc sống êm đềm cứ trôi. 2 đứa con trai nữa lại ra đời và vợ chồng chị đặt cho chúng hai cái tên như là một sự hài lòng về cuộc sống, con cái: Nguyễn Hữu Ưng và Nguyễn Hữu Thuận. Việc buôn bán của chị ở chợ cũng dần khấm khá.

Nhưng cuộc sống vốn không ai lường trước mọi việc. Một ngày giữa năm 1995, chồng chị đột ngột qua đời sau một tai nạn giao thông. Mất đi người đàn ông trụ cột gia đình khi mới 38 tuổi, chị Hảo như ngã quỵ. Mọi hoạt động buôn bán của chị ngưng trệ, bạn hàng nợ nần không chịu trả. “Tôi sốc nặng, bởi không nghĩ anh bỏ tôi ra đi khi 6 đứa con đang nheo nhóc. Tài sản cũng mất với bạn hàng, tôi dường như trắng tay”, chị Hảo sụt sùi nhớ lại lúc tai họa ập xuống cách đây tròn 20 năm. Dẫu mất mát nhưng chị đã không thể cho mình mãi đắm chìm với nỗi đau khi lúc này, chị đã trở thành trụ cột của 6 đứa con thơ. Gạt nước mắt, chị đứng dậy làm lại từ đầu. Không còn vốn buôn bán, chị tìm cách xoay xở. Chị nhớ lại cái thời trước năm 1975 mình đã từng học nghề may, chị mua máy may rồi mày mò tự học lại. Ban đầu rất khó khăn, bởi nghề đã bỏ hơn 20 năm nên khi cắt, đo may không chính xác, sản phẩm làm ra không làm hài lòng khách hàng. Không ít người thẳng tiếng chê bai, chị cảm thấy nản vô cùng. Thế nhưng nhìn đàn con thơ đang tuổi ăn tuổi lớn, như có thêm nghị lực, chị miệt mài ngày đêm tập luyện, cuối cùng cũng cắt may thành thạo. Nhiều người thương cho hoàn cảnh của chị nên thường đến may rồi giới thiệu bà con, họ hàng, bạn bè đến với tiệm may nhỏ của bà mẹ 6 con. Dần dần chị cũng có cái ăn, có tiền nuôi con ăn học. Hai cậu con trai đầu học xong THPT thì tự đi làm để giảm bớt một phần gánh nặng cho mẹ. Cậu con trai thứ 4 khi học xong cấp ba cũng xin đi nghĩa vụ quân sự. Còn lại ba đứa, chị quyết định phải cho ăn học đến nơi, đến chốn, cho dù phải bán căn nhà nhỏ vợ chồng tằn tiện mới dựng nên...

Chị Hảo cùng với các con trong lần về quê.

Ba cậu con trai được chăm chút việc học là Nguyễn Viết Trí, Nguyễn Hữu Ưng và Nguyễn Hữu Thuận. Vì hoàn cảnh khó khăn, có lúc ba anh em nhường nhau học, vì sợ mẹ không kham nổi. “Mấy con cứ học đi, vất vả mấy mẹ cũng có thể nuôi được các con”, chị Hảo luôn dặn dò các con. Nhìn mẹ thức đêm thức hôm, Trí, Ưng, Thuận đều nỗ lực học tập, nên năm nào cũng được học sinh giỏi. Những lúc rảnh rỗi, Trí cố gắng phụ mẹ, đồng thời dạy bảo hai em Ưng và Thuận học tập. Bằng nỗ lực của mình, Trí đã đỗ vào Trường Đại học Bách khoa TPHCM chuyên ngành công nghệ thông tin. 5 năm học, Trí dè sẻn từng đồng tiền mẹ cho, đồng thời tranh thủ làm thêm để đỡ phần nào cho mẹ. Dù không có cha kèm cặp, nhưng hình ảnh của mẹ ngày đêm cặm cụi may vá là động lực để cho Trí nỗ lực vươn lên. Năm nào Trí cũng nhận được học bổng của trường. “Mỗi học bổng là một phần quà dành tặng mẹ. Những lúc như vậy, mẹ vui lắm. Mẹ cười mà nước mắt cứ tuôn trào, anh em ai cũng thương mẹ”, Trí nói. Kết thúc khóa học, Trí may mắn được một công ty Nhật nhận vào làm, lương ổn định. Trí có cơ hội giúp mẹ, cùng mẹ cho hai em tiếp tục ăn học. Rồi Ưng và Thuận cũng lần lượt đỗ vào Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Điều kiện sinh hoạt ngày càng đòi hỏi nhiều tiền, chị Hảo lại thức đêm, thức hôm để may áo quần cho khách kiếm tiền gửi cho hai con trai.

Ra trường, Ưng và Thuận may mắn xin được việc làm ổn định, lương cao. Tâm sự với chúng tôi, chị tiếc rẻ: “Hồi đó mà mình cố gắng thì ba đứa con lớn sẽ được học hành đàng hoàng như các em của chúng. Nghĩ thấy thương chúng nó quá”. Vừa qua, Nguyễn Viết Trí được sang Nhật làm việc cho một công ty trong hai năm, với mức lương cơ bản hơn 2.000 USD, chưa kể làm thêm giờ. Trước giờ qua Nhật, Trí chia sẻ: “Mẹ vất vả lắm rồi. Một mình mẹ gồng gánh nuôi cả đàn con, khi không còn ba, anh em của em giờ ai cũng thương mẹ lắm. Em sẽ cố gắng để bù đắp lại cho mẹ”. Đầu tháng 8 vừa qua, chị Hảo dắt 3 đứa con trai đã thành đạt về quê “Vinh quy bái tổ”. Nhìn 3 đứa con trai cao ráo, thông minh, cùng con dâu xinh đẹp (vợ của Nguyễn Hữu Thuận) ai cũng trầm trồ: “Con Hảo ni giỏi quá. Chồng hắn chết lâu rứa mà hắn nuôi con ăn học thành tài hết”. Nay con cái đã trưởng thành, dù ở tuổi gần lục tuần, nhưng chị Hảo vẫn mải mê với nghề may vá, xem như đó là cái nghề đã có ơn với mình, giúp chị nuôi đàn con nên người. Hai mươi năm trường vắng chồng, chị đã kiên cường “vịn nỗi đau đứng dậy” và đến giờ này, chị đã có một khối “tài sản kếch sù” là 6 cậu con trai thành người.

Anh Khoa Ngô