Báo Công An Đà Nẵng

Vĩnh biệt "cha đẻ súng" AK-47

Thứ tư, 25/12/2013 12:31

(Cadn.com.vn) - Mikhail Kalashnikov, cựu trung sĩ Hồng quân Liên Xô, người phát minh một trong những loại vũ khí có mặt ở khắp nơi trên thế giới - súng trường AK-47 - vừa qua đời ngày 23-12 tại Nga ở tuổi 94.

Ông Kalashnikov sống ở Izhevsk, thủ đô nước Cộng hòa Udmurtia thuộc Nga, phải nhập viện hồi tháng trước với nhiều vấn đề về sức khỏe. Viktor Chulkov, phát ngôn viên Tổng thống Udmurtia, xác nhận ông Kalashnikov qua đời song không nêu rõ nguyên nhân.

Ông Kalashnikov đứng đầu nhóm thiết kế sản xuất AK-47 - viết tắt của chữ "Automatic by Kalashnikov" đời 1947 - nhằm tìm ra loại súng trường tấn công cho quân đội Liên Xô. Loại súng này được trang bị cho quân đội Liên Xô 2 năm sau đó cũng như được cung cấp cho các nước đồng minh và nhiều quốc gia khác mà Moscow muốn gây ảnh hưởng trong và sau Chiến tranh Lạnh.

AK-47 lần đầu tiên được sử dụng để dập tắt bạo loạn Đông Berlin năm 1953 và cuộc cách mạng Hungary năm 1956. Và giờ đây, nó trở thành một loại vũ khí không thể thiếu do tính đơn giản và độ chính xác cao và đặc biệt là nhỏ gọn.

Không có con số chính xác nhưng các chuyên gia tin rằng, có khoảng 100 triệu khẩu AK trên toàn thế giới, và khoảng 1 triệu khẩu được sản xuất mỗi năm.

Nhà phát minh AK-47 Mikhail Kalashnikov.

Một thiết kế sinh ra trong trận chiến

Khi lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin phát động chiến dịch tập trung các đơn vị chính phủ, gia đình Kalashnikov được xem như là một trở ngại. Họ là những nông dân giàu có, và bị buộc phải đến sống lưu vong ở Tomsk Oblast thuộc Siberia.

Cha của Kalashnikov qua đời 1 năm sau đó, và mẹ ông tái hôn. Ở tuổi 16, Kalashnikov rời nhà và chạy sang nước láng giềng Kazakhstan, nơi ông làm việc trong ga đường sắt trên tuyến đường sắt Turkistan -Siberia.

Năm 1938, ông gia nhập Hồng quân và được phân công về một đơn vị thiết giáp. Tại đây, ông phát minh thiết bị đếm giờ động cơ của chiếc xe tăng đang chạy và số lượng các viên đạn bắn ra.

Trong một trận chiến năm 1941 với quân xâm lược Đức Quốc xã tại Bryansk, Kalashnikov bị thương. Trong khi đang trị thương tại bệnh viện ở Yelets, phía Nam Moscow, ông nghe nhiều cuộc thảo luận giữa các đồng đội về các loại vũ khí tuyệt vời của người Đức và những thiếu sót của Nga. Moscow đặc biệt không hài lòng với súng trường.

Sau 6 tháng trị thương, Kalashnikov trở lại Kazakhstan và nhà ga đường sắt. Ông cùng với các đồng nghiệp thiết kế và thực hiện nguyên mẫu khẩu súng tiểu liên mới, và trình cho quan chức cấp cao đánh giá.

Khẩu súng không được chú ý bởi không có cải tiến nào, nhưng nhà thiết kế được giao một nhiệm vụ mới, được gửi đến làm việc tại các phòng thí nghiệm vũ khí quân sự bí mật. Cuối cùng đội của ông phát triển AK-47 và giành chiến thắng trong cuộc thi sản xuất súng trường tự động quốc gia.

Một anh hùng của Liên Xô

Ông Kalashnikov đạt đến cấp bậc trung tướng và nhận vô số các giải thưởng, danh hiệu, tiền thưởng. Ông được trao giải thưởng Nhà nước Liên Xô và các giải thưởng Stalin năm 1949. Sau đó là Anh hùng Lao động Xã hội (2 lần), giải thưởng Lênin (2 lần) và nhiều giải thưởng khác.

Sau sự tan rã của Liên Xô, ông Kalashnikov tiếp tục làm việc tại nhà máy vũ khí ở Izhevsk, Nga. Các nhà sản xuất mượn tên của ông để đặt cho rượu vodka, dao bỏ túi và nhiều sản phẩm khác. Vợ ông, Ekaterina Viktorovna, người làm việc trong các nhà máy vũ khí ở Izhevsk, qua đời năm 1977. Chivers, người nhiều lần phỏng vấn ông Kalashnikov cho biết một trong những chìa khóa thành công của vị anh hùng này là lòng hăng say với công việc và yêu nước sâu sắc.    

Mặc dù không được đào tạo nhiều về kỹ thuật, ông trở thành người đứng đầu ngành công nghiệp vũ khí của Liên Xô và đi khắp thế giới để quảng bá cho các loại vũ khí của Liên Xô. Jim Supica, Giám đốc Bảo tàng Vũ khí Quốc gia ở Fairfax, gọi ông Kalashnikov là "người khổng lồ trong thiết kế vũ khí".

An Bình
(Theo Washington Post)