Báo Công An Đà Nẵng

Vĩnh biệt, Nelson Mandela!

Thứ bảy, 07/12/2013 12:13

* NAM PHI TUYÊN BỐ QUỐC TANG

(Cadn.com.vn) - Cả thế giới tiễn biệt cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, người qua đời ở tuổi 95 do biến chứng nhiễm trùng phổi tái phát tại nhà riêng ở Johannesburg.

Cả thế giới tiếc thương. Người dân Nam Phi trải qua một đêm không ngủ khi thông tin về cái chết của người anh hùng chống chủ nghĩa apartheid Nelson Mandela được thông báo trên Đài truyền hình vào tối 5-12.

Theo CNN, cựu Tổng thống Mandela qua đời vào khoảng 20 giờ 50 (giờ địa phương). “Ông ấy (cựu Tổng thống Mandela) đã yên nghỉ nơi vĩnh hằng. Dân tộc chúng ta mất đi một người con vĩ  đại”, Tổng thống Jacob Zuma tuyên bố với toàn dân. Chính phủ Nam Phi công bố cử hành quốc tang đối với cựu Tổng thống Mandela và cả nước treo cờ rủ từ ngày 6-12 cho đến khi tiễn biệt ông Mandela lần cuối.

Cựu Tổng thống Nelson Mandela. Ảnh: CNN

Một nguồn sáng vĩ đại đã tắt

Điện chia buồn

Được tin Ngài Nelson Mandela từ trần, ngày 6-12-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi Điện chia buồn đến Chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), Tổng thống nước Cộng hòa Nam Phi Jacob Zuma.

TTXVN

Sáng. Những hành khách đầu tiên đi tàu điện ngầm đến làm việc tại các thủ đô Pretoria, Johannesburg, Cape Town vẫn còn bị sốc trước sự ra đi của một biểu tượng hòa giải và hòa bình trên toàn thế giới. Dẫu biết ông đã bị bệnh từ lâu, nhưng người dân Nam Phi vẫn như không tin đây là sự thật dù được nghe chính đương kim Tổng thống Jacob Zuma công báo.

Các nhà lãnh đạo thế giới, các nghệ sĩ nổi tiếng và cả những người dân bình thường nhất cũng bày tỏ niềm tiếc thương và dành những lời ca ngợi vị chính trị gia từng đoạt giải Nobel Hòa bình này. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tiếc cho một người đấu tranh “vì nhân phẩm, sự công bằng và tự do cho người khác” đã ra đi. Trong khi đó, Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ và Thủ tướng Anh David Cameron dành sự tưởng nhớ to lớn cho ông Mandela - một ngọn hải đăng khổng lồ về đạo đức. “Giờ đây, ông ấy đã đi xa và chúng ta mất một trong những người có ảnh hưởng nhất, can đảm và tốt đẹp nhất”, Tổng thống Obama nói.

Trên trang Twitter cá nhân, Thủ tướng Anh David Cameron nức nở: “Một nguồn sáng vĩ đại đã tắt... Tôi yêu cầu treo cở rủ tại số 10 phố Downing. Còn cựu Tổng thống Bill Clinton, người lãnh đạo nước Mỹ cùng thời điểm ông Mandela nắm quyền tại Nam Phi, khẳng định: “Lịch sử ghi nhớ ông là chiến sĩ đấu tranh vì... hòa bình và hòa giải”. Cả Thủ tướng Tony Abbott và Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đều ca ngợi ông Mandela là “nhà lãnh đạo thật sự vĩ đại”. Người dẫn chương trình da màu nổi tiếng nước Mỹ Oprah Winfrey thêm tiếng nói của mình khi tâm niệm: “Ông Mandela sẽ luôn luôn là người hùng của tôi”.

Đối với người dân Nam Phi, việc mất đi nhà lãnh đạo yêu quý nhất vào thời điểm khi đất nước đang trải qua tình trạng bất ổn, các cuộc biểu tình ngày càng tăng vì dịch vụ kém, nghèo đói, tội phạm, thất nghiệp và các vụ bê bối tham nhũng, khiến nỗi đau nhân lên gấp bội. Mặc dù giới chức Nam Phi trấn an người dân rằng, việc ông Mandela ra đi sẽ không ngăn cản đất nước tiếp tục vươn đến con đường hòa giải chủng tộc, nhiều người vẫn bày tỏ cảm giác khó chịu và đau đớn.

Người dân Australia và Anh dành một phút mặc niệm tưởng nhớ cựu Tổng thống Nelson Mandela trước một trận đấu criket. Ảnh: CNN

Tiếc thương và lo lắng

Ông Mandela nổi tiếng là người hoạt động hết mình vì công cuộc chống chủ nghĩa apartheid và từng đoạt giải Nobel Hòa bình cho những nỗ lực không mệt mỏi này. Ông được đánh giá là một trong những nhân vật chính trị xuất chúng và được yêu quý nhất trên thế giới. Ông còn là biểu tượng của sự hòa giải, vốn đưa Nam Phi từ một đất nước có lịch sử tàn bạo của phân biệt chủng tộc trở thành một quốc gia lớn mạnh nhất Châu Phi hiện nay.

Sinh ra trong một gia đình trưởng bộ tộc tại Eastern Cape, song ông rời gia đình đi đến Johannesburg, nơi ông trở thành một luật sư và tham gia Đại hội Dân tộc Phi (ANC) trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid. Năm 1951, ông Mandela trở thành Chủ tịch ANC. Sau 27 năm ngồi tù, ông Mandela vẫn bước đi, đầy niềm tự hào khi được thả tự do năm 1990. 3 năm sau, ông cùng Tổng thống Nam Phi Frederik de Klerk lúc đó cùng chia giải Nobel Hòa bình cho nỗ lực đảm bảo một quá trình chuyển đổi hòa bình từ chế độ phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, bước ngoặt cuộc đời lớn nhất trên bảng vàng thành tích của ông Mandela là trở thành tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước nhà vào năm 1994, để từ đó đặt bệ phóng đưa Nam Phi ngày càng phát triển.

Người dân Nam Phi giơ cao biểu tượng nắm đấm tưởng nhớ nhà lãnh đạo Nelson Mandela. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, sau một nhiệm kỳ, ông Mandela quyết định không tham gia tranh cử. Ông muốn giao quyền cho nhà lãnh đạo trẻ hơn, được học hành tốt để từ đó có thể quản lý một nền kinh tế hiện đại và một quốc gia đa chủng tộc. Sau khi nghỉ hưu, ông Mandela dành toàn bộ tâm huyết cho cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ AIDS ở Nam Phi. Lần cuối cùng, người ta thấy ông Mandela xuất hiện công khai trong sự kiện lớn là khi ông đến xem trận chung kết World Cup 2010 diễn ra tại Nam Phi.

Trong những năm qua, mỗi khi nghe tin không tốt về sức khỏe của ông Mandela, người dân Nam Phi lại thót tim. Đối với nhiều người dân Nam Phi. Ông đơn giản là Madiba, tên gia tộc truyền thống của ông. Những người khác trìu mến gọi ông là “Tata”, tức là “người cha” của dân tộc Nam Phi. Vì thế, khi đón ánh bình minh ngày thứ 6 với tương lai mặc định là không có người cha già Mandela, người dân cảm giác bất an. “Thật đáng buồn. Tôi nghĩ rằng, Nam Phi rồi đây sẽ trở thành một quốc gia phân biệt chủng tộc hơn. Người dân sẽ trở mặt với nhau và đuổi người nước ngoài đi”,  Sharon Qubeka, 28 tuổi, một thư ký từ thị trấn Tembisa nói khi cô đi làm việc ở Johannesburg. “Ông Mandela là người duy nhất kết nối mọi người với nhau”, cô nói thêm.

Thật tiếc thương cho một con người vĩ đại và lo lắng cho người dân Nam Phi!

Khả Anh