VKSND tỉnh Quảng Trị bị kiện, đòi bồi thường hơn 17 tỷ đồng
Theo kế hoạch xét xử, chiều nay (19-11), TAND tỉnh Quảng Trị sẽ mở phiên tòa dân sự sơ thẩm vụ án “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự”. Trong vụ này, nguyên đơn là ông Dương Văn Hòa (1957), giám đốc Cty TNHH Thuận Thành (Cty Thuận Thành), bị đơn là VKSND tỉnh Quảng Trị.
Ông Hòa tần ngần khi nghĩ đến diện tích lớn cây cao su hư hỏng, thiệt hại hàng tỷ đồng. |
Ông Hòa là 1 trong 4 bị can bị VKSND tỉnh Quảng Trị truy tố, xét xử về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật”, cụ thể là dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra tại Quảng Trị năm 2007. Những thiệt hại mà ông Hòa yêu cầu bồi thường diễn ra trong khoảng thời gian hơn 10 năm tính từ ngày bị khởi tố bị can (ngày 31-7-2007) đến ngày VKSND tỉnh Quảng Trị ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Hòa (ngày 31-8-2017) theo khoản 2 điều 107 BLHS.
Ông Hòa cho biết năm 1975 tham gia Đội An ninh H. Gio Linh; năm 1978 làm Trưởng CAX Gio Phong (H. Gio Linh). Đến năm 1984, ông làm Phó Giám đốc Nông trường cao su Dốc Miếu và nghỉ hưu vào năm 2000. Với kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động lĩnh vực nông nghiệp nên 2 năm sau ngày nghỉ hưu, ông Hòa thành lập Cty Thuận Thành. Năm 2007, BQL Dự án giảm nghèo tỉnh Quảng Trị ký kết hợp đồng kinh tế với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh về tổ chức thực hiện mô hình “Chăn nuôi bò bán thâm canh và bò cái vàng sinh sản Việt Nam” hỗ trợ cho 290 hộ khó khăn tại H. Đakrông và H. Hướng Hóa. Từ đây, Trung tâm Khuyến nông - khuyến lâm tỉnh ký kết hợp đồng với Cty Thuận Thành cung cấp 142 con bò cái giống bố mẹ lai Zebu và 148 con bò cái giống bố mẹ nội. Sau khi ký kết hợp đồng, ông Hòa liên hệ với ông Tạ Duyên Hào- Phó GĐ Xí nghiệp truyền giống gia súc và phát triển chăn nuôi Thanh Ninh (Thanh Hóa, gọi tắt XN Thanh Ninh) để mua bò lai. Ông Hào đã giao cho ông Hòa 2 đợt tổng cộng 104 con vào các ngày 9-5 và 4-6-2007.
Kết quả nghiệm thu xác định có 2 con không đạt tiêu chuẩn bị thải loại còn đạt tiêu chuẩn làm giống hậu bị và đồng ý cho làm thủ tục kiểm dịch động vật chuyển đi cho các hộ mô hình. Đến ngày 8-6-2007, một số hộ gia đình phát hiện bò dự án bị sưng chân, sau đó dịch LMLM bùng phát 6 huyện, thị xã trên địa bàn Quảng Trị, trong đó có bò do ông Hòa cung ứng. Ngày 13 và 14-6-2007, ông Hòa thu hồi số bò đã cấp về lại trang trại, rồi chuyển ra Thanh Hóa trả lại vào ngày 15-6. Quá trình lấy mẫu bệnh phẩm (các ngày 15, 16-6 và 1, 2-7) ngay tại Trang trại Thuận Thành và một số điểm khác xác định dương tính với virus LMLM tuýp 1. Ngày 26-8, tỉnh Quảng Trị công bố dịch, khẩn trương khống chế, dập dịch.
Cơ quan chức năng xác định dịch LMLM xuất phát từ bò dự án nên Hòa bị khởi tố bị can về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật”, trong vụ án còn có 3 bị can khác là ông Tạ Duyên Hào và 2 cán bộ thú y. Tháng 6-2008, vụ án được TAND tỉnh đưa ra xét xử, ông Hòa bị tuyên 18 tháng tù. Tháng 9-2008, TAND Tối cao tại Đà Nẵng (nay là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) phúc thẩm, quyết định hủy bản án sơ thẩm, giao điều tra lại. Tháng 7-2009, VKSND tỉnh ban hành cáo trạng sau khi điều tra lại, truy tố ông Hòa và 3 bị can còn lại ra tòa xét xử. Quá trình xét xử, TAND tỉnh Quảng Trị đã trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đến tháng 12-2009, VKSND tỉnh ra quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Hòa theo khoản 1 điều 25 BLHS (do chuyển biến tình hình hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội). Ngay sau đó, ông Hòa đã khiếu nại quyết định này, cho rằng mình không phạm tội.
Giải quyết khiếu nại của ông Hòa, ngày 25-8-2017, VKSND Tối cao khẳng định không có đủ cơ sở để xác định ông Hòa phạm tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật” nên đình chỉ vụ án theo khoản 1 điều 25 BLHS là không đúng quy định pháp luật. Theo kết luận của VKSND Tối cao, tại thời điểm giải ra dịch, LMLM tuýp 1 là loại virus mới, chưa có bắt buộc tiêm phòng; dịch bùng phát ở nhiều địa bàn không có bò dự án... cùng với nhiều lý do khác khẳng định có đủ căn cứ để chấp nhận khiếu nại của ông Hòa, đề nghị VKSND tỉnh ra quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Hòa được quy định tại Khoản 2 điều 107 BLHS năm 2003 (hành vi không cấu thành tội phạm).
Từ kết quả trên, ông Hòa yêu cầu VKSND tỉnh bồi thường thiệt hại về tinh thần và vật chất gần 18 tỷ đồng nhưng quá trình thương lượng VKSND tỉnh chỉ đồng ý tổng mức gần 250 triệu đồng nên ông Hòa khởi kiện ra tòa. Những khoản ông Hòa yêu cầu bồi thường thiệt hại kinh tế do ảnh hưởng trong 10 năm kêu oan gồm: thiệt hại vườn cây cao su tại các địa bàn Hướng Hóa, Gio Linh, địa bàn tỉnh Bình Dương, vườn cao su tại Mường Noòng (Lào), vườn tiêu tại địa bàn H. Gio Linh... trong đó yêu cầu bồi thường thiệt hại vườn cao su tại Lào lên đến gần 3,5 tỷ đồng, vườn cao su tại xóm Mít (xã Gio Phong, H.Gio Linh là 5,7 tỷ đồng (làm tròn). Bên cạnh đó, còn các khoản yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần, mất thu nhập thực tế, bị phạt hợp đồng...
Ông Hòa cho hay từ khi dính lao lý, mọi hoạt động sinh hoạt và kinh doanh bị đảo lộn, 10 năm ròng rã chịu ảnh hưởng nặng nề về tinh thần và vật chất, chính vì thế, mức bồi thường gần 250 triệu đồng như giải quyết của VKSND tỉnh Quảng Trị không thỏa đáng. Như vậy, đây là lần thứ 2 trong năm 2018 VKSND tỉnh Quảng Trị đứng ở vị trí bị đơn do có khởi kiện yêu cầu bồi thường do oan sai. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến phiên xử này.
BẢO HÀ