Báo Công An Đà Nẵng

V.League 2022: Hiếm có, khó tìm…

Thứ năm, 01/09/2022 22:40
Sài Gòn FC (áo sáng) là CLB có nhiều xáo trộn nhất cho đến thời điểm này.

Khi HLV Chu Đình Nghiêm xuất hiện ở Hải Phòng, HLV Trương Việt Hoàng “khăn gói” xuống đội trẻ Viettel, Kim Dong-su về Hàn làm nghĩa vụ công dân, Trọng Đại chuyển từ đội bóng áo lính về H. Hà Tĩnh... giới chuyên môn đã dự báo về một mùa giải đầy biến động khi V.League trở lại sau dịch COVID- 19, nhưng không thể ngờ nó được đẩy đến mức độ “kịch tính” như thời gian gần đây.

Dân gian có câu “tháng bảy là tháng âm hồn”, tính theo âm lịch đúng vào tháng 8 vừa qua. Bỏ qua câu chuyện mê tín, song không thể phủ nhận kể từ đầu tháng 8 đến nay, “tướng” V.League rụng... như sung. Danh thủ một thời Lê Huỳnh Đức tiếp quản vai trò “chỉ đạo viên” ở Sài Gòn FC, HLV Lư Đình Tuấn về tiếp quản ghế nóng ở Bình Dương; HLV Trương Việt Hoàng về dẫn dắt CLB TPHCM, HLV Vũ Hồng Việt về đội bóng thành Nam và mới đây nhất là ông Trần Hòa Bình nhường chức chủ tịch CLB Sài Gòn FC cho ông Nguyễn Thái Phiên...

Ở cấp thấp, cũng có biến động, tuy ít hơn nhưng lại gây sự chú ý khi Lee Nguyễn đồng ý xỏ lại giày ra sân cho TPHCM, Văn Lâm về T. Bình Định, Huỳnh Tấn Sinh được Hà Nội FC “mượn” từ CLB hạng Nhất Quảng Nam... Người đến thì phải có kẻ đi, nhưng đến lúc này ngoài thủ môn Nguyễn Mạnh Cường (T. Bình Định), trợ lý Nguyễn Văn Dũng (Nam Định) và ông Trần Hòa Bình, số còn lại thì chưa, thậm chí có trường hợp được “đẩy lên” vị trí cố vấn chủ tịch, giám đốc kỹ thuật... V.League rất “lạ” mà cũng rất “quen” ở chỗ đó.

V.League đã hơn 10 năm mang tên chuyên nghiệp, và việc một CLB chuyên nghiệp tính toán, thay đổi nhân sự là quyền “đương nhiên” của họ. Nhưng những động thái liên tiếp diễn ra khiến người ta không khỏi nghi ngờ về chiến lược phát triển của không ít CLB. Ngoại trừ một vài thay đổi mang tính chất “giải pháp tình thế, một số trường hợp bộc lộ dấu hiệu của hiện tượng làm bóng đá kiểu “ăn xổi”, “tùy hứng” mà bóng đá thế giới từng chứng kiến.

Thông thường “chiến lược” phát triển dù ở cấp độ nào cũng được hoạch định, thực hiện trong nhiều năm, thậm chí được tính bằng thập kỷ. Hiện tượng “thay ngựa giữa đường” chỉ xảy ra khi tình thế thay đổi, cao nhất cũng ở mức “chiến dịch”. Những gì đang xảy ra tại V.League 2022, có hiện tượng ở cấp độ “chiến dịch”, nhưng cũng có cả tình huống xấp xỉ cấp “chiến lược”. Vậy, phải chăng chiến lược phát triển của một số CLB hiện nay đã bị phá sản?. Nếu câu trả lời cho vấn đề này là đúng, người hâm mộ có những điều để lo lắng, không chỉ cho những đội bóng ruột rà, mà còn cho cả sự phát triển bóng đá Việt Nam.

Khi được gợi ý nhận xét về các CLB ở Việt Nam, một chuyên gia tư vấn bóng đá chuyên nghiệp người nước ngoài có bằng UEFA và là tuyển trạch viên từng làm việc ở nhiều CLB lớn như Manchester City FC, Valencia CF, FC Barcelona, AS Roma, Rangers... đã nói như sau:“Các đội bóng ở Việt Nam đều đang chơi thứ bóng đá một chiều, dễ đoán và rất gây nhàm chán. Nếu xem các CLB ở V.League thi đấu người ta sẽ chẳng hiểu là những CLB ấy có liên quan gì tới đội tuyển Việt Nam hay không. Nguyên nhân là bởi người ta xem bóng đá CLB như là một mảng riêng biệt, và đấy là một phần rất lớn của vấn đề”.

Và khi được hỏi làm cách nào để CLB nói riêng, bóng đá Việt Nam nói chung tốt hơn, vị chuyên gia không ngại ngần, nói thẳng: “Thay đổi toàn diện là câu trả lời đơn giản nhất. Nhưng tôi nghĩ điều đầu tiên phải là tư duy. Cầu thủ Việt Nam đơn giản cần phải hiểu rằng cách họ đang làm mọi việc là không đúng... Bóng đá Việt Nam sẽ không bao giờ phát triển được cho tới khi người ta thừa nhận rằng cấu trúc hiện tại đã thất bại nặng nề. Thật buồn là điều này đồng nghĩa với việc sẽ có ai đó ở đâu đó bị "mất mặt", và bạn biết là trong văn hóa Á Đông thì chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra, nên tôi nghĩ là các CLB sẽ tiếp tục đi xuống thôi. Thật buồn khi phải chứng kiến điều đó, đặc biệt là khi nó không nhất thiết phải trở nên như vậy”.

Bóng đá cần thay đổi và liên tục thay đổi, đó là yêu cầu bắt buộc, Nhưng kiểu “thay” và “đổi” như thời gian gần đây thật là... hiếm có, khó tìm...

T.S