Báo Công An Đà Nẵng

Vỡ đập thủy điện tại Lào: Chạy đua tìm người sống sót

Thứ năm, 26/07/2018 10:09

Lực lượng cứu hộ Lào ngày 25-7 đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn sống sót sau vụ vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi ở  huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu vốn khiến ít nhất 26 người thiệt mạng và hàng trăm người mất tích.

Lực lượng chức năng dùng thuyền sơ tán người dân trong khu vực vỡ đập đến nơi an toàn.   Ảnh: Attapeu Today

Dấu hiệu bất thường

Đập thủy điện Sepien Senamnoi nằm ở khu vực phía nam Lào trên dòng sông Xe Kong là dự án hợp tác trị giá 1,2 tỷ USD giữa Cty xây dựng và thiết kế SK Hàn Quốc (SK E&C), Cty Điện lực Đông Hàn Quốc, Cty General Holding của Thái Lan và một Cty điện lực của Lào. Công trình có công suất 410 MW, khởi công năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019. Theo thiết kế, hồ chứa của dự án là 5 tỷ mét khối nước. Theo kế hoạch, con đập trên sẽ xuất khẩu 90% lượng điện cho Thái Lan và 10% còn lại sẽ dành để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Cty SK E&C cho biết đã phát hiện hiện tượng sạt lở bất thường ở phần đỉnh của công trình thủy điện vào lúc 21 giờ (giờ địa phương) ngày 22-7, tức 23 giờ trước khi xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện này. Công tác sửa chữa ngay lập tức được xúc tiến, song mưa lớn đã cản trở công tác này.

Đến sáng 23-7, một trong hai đập chính của dự án buộc phải xả lũ để giảm áp lực đối với đập Sepien Senamnoi. Tuy nhiên, SK E&C thông báo diễn biến ngày càng xấu đi vào buổi chiều cùng ngày, buộc Cty này đưa ra thông báo yêu cầu người dân tại vùng hạ lưu sơ tán.

Vụ vỡ đập đã gây ngập cho 10 bản ở hạ lưu và làm cô lập hoàn toàn huyện Sanamxay, trong đó có 5 bản ở huyện Sanamxay bị ngập hoàn toàn. Vụ vỡ đập đã làm trên 1.300 hộ gia đình với 6.600 người bị ảnh hưởng.

Nỗ lực cứu hộ

Theo AFP, giới chức tỉnh Attapeu điều động máy bay trực thăng và thuyền để sơ tán những người bị mắc kẹt tại các ngôi làng bị lũ nhấn chìm. Cho đến nay, vẫn chưa rõ số nạn nhân mất tích và thiệt mạng. Hãng thông tấn chính thức của Lào KPL cho biết, hàng trăm người đã mất tích nhưng không cung cấp chi tiết. Báo cáo mới nhất là 26 người được xác nhận đã thiệt mạng.

Hiện nay, tuy nước đang rút giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác cứu hộ, nhưng hệ thống giao thông đường bộ bị phá hủy nghiêm trọng khiến các phương tiện cơ giới lớn không thể đi qua. Lực lượng cứu hộ chủ yếu vẫn chỉ sử dụng thuyền và trực thăng để tiếp cận người dân. Tính tới nay, lực lượng cứu hộ đã đưa được gần 3.000 người dân tới khu vực an toàn và hỗ trợ lương thực cho hàng nghìn người khác. Tại hiện trường, các lực lượng chức năng của Lào vẫn đang tích cực triển khai, tìm kiếm người mất tích, kiểm tra và thống kê các thiệt hại.

Phó Bí thư, Phó Chủ tịch tỉnh Attapeu, ông Phonesamay Mienglavan cho biết trong những ngày qua, lãnh đạo tỉnh Attapeu và cụ thể là đơn vị cứu nạn đã huy động nhiều ban, ngành cùng tham gia công tác cứu hộ. Việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho những người còn đang bị cô lập bởi nước lũ cũng được đảm bảo triển khai liên tục. Ông Mienglavan cũng cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu thuyền cứu hộ, khiến diện tích khu vực tìm kiếm bị thu hẹp, nhiều nơi vẫn chưa được tiếp cận trong đó có các điểm nhiều khả năng có người bị mắc kẹt.

Theo chính quyền tỉnh Attapeu, tới nay công tác cứu hộ cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập thủy điện Xepien Xenamnoy đã hoàn thành khoảng 50% và dự kiến trong 2-3 ngày tới nếu không có gì bất thường và thời tiết thuận lợi, công tác cứu hộ này sẽ hoàn thành.

Chiều 25-7, Chính phủ Lào đã có cuộc họp khẩn và quyết định thành lập Đoàn chuyên trách, đồng thời giao cho Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone  làm Trưởng đoàn, gồm có các bộ ngành liên quan và tỉnh Attapeu, huyện Sanamxay tiếp tục giải quyết cả trước mắt và lâu dài. Đoàn chuyên trách này sẽ đánh giá thiệt hại, tìm ra nguyên nhân chính làm xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện nêu trên, cùng với chủ đầu tư dự án kiểm tra trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong việc giải quyết sự cố lần này.

Ngày 25-7, Chính phủ của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã cấp khoản tiền mặt viện trợ trị giá 5 triệu baht (khoảng 147.000 USD) cho các nạn nhân trong sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi. Ngoài khoản hỗ trợ bằng tiền mặt, Chính phủ Thái Lan còn viện trợ nước uống, lương thực, thuốc men và lều cho các nạn nhân chịu ảnh hưởng ở tỉnh Attapeu. Cùng ngày, Cty SK E&C cho biết sẽ sử dụng tất cả các nguồn lực sẵn có để cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả vỡ đập thủy điện tại Lào mà Cty này đang tham gia xây dựng. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cử một đội cứu trợ khẩn cấp tới tỉnh Attapeu, hỗ trợ công tác cứu hộ khẩn cấp.

THÚY NGỌC

Chưa có thông tin về 15 gia đình người Việt

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, có 15 hộ gia đình người Việt được xác định sống trong vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập thủy điện tại Sepien Senamnoi. Tuy nhiên, chưa có bất cứ thông tin thiệt hại về người và tài sản liên quan đến 15 hộ gia đình này.

Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào vẫn tiếp tục liên lạc với các đơn vị chức năng của Lào để nắm bắt thông tin và tiến hành công tác bảo hộ công dân nếu có công dân Việt bị ảnh hưởng trong sự cố này. Sáng 25-7, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse đã đến tỉnh Attapeu để tìm hiểu về thông tin thiệt hại của sự cố vỡ đập đối với cộng đồng người Việt.  Nhân dịp này, Đại sứ quán cũng đã phát động cán bộ nhân viên sứ quán, các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán mỗi người tối thiểu 1 ngày lương để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố khắc phục hậu quả.