Báo Công An Đà Nẵng

Võ Khắc Dũng- khắc khoải văn chương, khắc khoải đời

Thứ ba, 26/11/2013 13:22

(Cadn.com.vn) - Bẵng một thời gian dài không có cơ hội gặp, hôm hội ngộ tại Đà Lạt, Võ Khắc Dũng tặng tôi một lúc 5 đầu sách của anh phát hành trước đó không lâu. Nếu chỉ nói về mặt số lượng thì đây quả là thành tích “đáng gờm” trong giới cầm bút.

Vạch trang cuối cùng của tất cả các tập sách tôi ngạc nhiên đến thú vị khi thấy cả 5 tập sách đều rầm rập chạy trên các máy trong nhà in ở cùng một thời điểm. Tôi bảo đùa: Anh hãy đăng ký xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam! Anh cười hiền, nâng vội mấy cốc và nói lời chia tay vì phải về thu xếp hành lý để vào TPHCM tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Nếu tôi nhớ không nhầm, dạo cuối năm 2007 anh cũng đã từng có một kỷ lục in sách như thế. Khi đó anh đang mang trọng bệnh “sợ có mệnh hệ gì” không ai chăm chút cho “những đứa con tinh thần” nên vội vàng tập hợp cho xuất bản một lúc đến 4 tác phẩm, gồm các tập tản văn và bút ký: “Gió se lạnh cho bạc đầu sương núi”, “Nam Tây Nguyên những điều kỳ thú”, “Những nhân vật của tôi” và “Phù du trần thế”. Ấy là chưa kể đến tập nhạc có tựa đề “Rêu phong tìm nhau” ấn hành trước đó.

5 tập sách của anh lần này có biên độ viết mở rộng hơn. Đó là “Tiếng lá thở dài” (Thơ), “Nhật ký Trường Sa vạn lý nơi đầu sóng” (Nhật ký), “Đại ngàn độ lượng” (Tiểu thuyết) "Tiếng vọng vô thanh” (Tập truyện ngắn) và “Khắc khoải tiếng còi tàu” (Phóng sự). Tất cả đều do Nhà xuất bản Văn học ấn hành...

Võ Khắc Dũng là một nhà báo thuộc hàng “cây đa, cây đề” của các Báo Lao Động, Lâm Đồng... Lần đầu tiên tôi gặp anh trong hỗn mang của thế giới phẳng qua các trang blog Việt, nhưng nhận ra ngay đây là một người bạn văn chân tình. Quả đúng như thế, khi gặp nhau đời sống thực, anh là một người hiền hòa, dễ mến, nụ cười nhẹ, thâm thúy và sâu sắc. Báo là “nghề”, nhưng anh đích thực là một nghệ sĩ thứ thiệt khi ôm đàn run rẩy nghe đến “nhức xương” các ca khúc của mình. Anh còn sáng tác thơ, viết truyện ngắn, và tiểu thuyết. Xem ra anh là người nhiều... nhà. Tuy vậy, có lúc anh lại phải đi ở... nhờ! Với bạn văn, Võ Khắc Dũng là người nhiệt tình hiếm thấy.

Nhà báo Võ Khắc Dũng Bìa 5 tập sách của Võ Khắc Dũng.

Bạn văn bốn phương đến Đà Lạt alô bất kỳ giờ giấc nào gần như anh có mặt. Tôi còn nhớ cái đêm từ Sài Gòn ào lên bên thềm Festival hoa Đà Lạt, ngồi với nhạc sĩ Dương Toàn Thiên tại nhà. Lúc đó, giữa rừng người và rừng hoa, Võ Khắc Dũng đang tác nghiệp báo chí. Anh Thiên nói rằng Võ Khắc Dũng đã hứa đến thì sẽ đến. Gần nửa đêm, tác nghiệp đủ cho bài viết về đêm khai diễn lễ hội, Võ Khắc Dũng tìm cách len lỏi qua dòng người dập dìu cuộn chảy quanh bờ Hồ Xuân Hương để về ngồi với anh em chúng tôi.

Nhiều người cho rằng, nghề báo và nghiệp văn của Võ Khắc Dũng có vẻ như đang “phát tiết” trong những năm gần đây khi thân mang trọng bệnh. Vượt qua sự giày vò của những cơn đau và những ngày nằm viện anh vẫn đi và viết với tất cả sự nhiệt tình và bầu máu nóng của trái tim mình.            

Là nhạc sĩ, nên thơ của Võ Khắc Dũng rất giàu nhạc điệu. Giữa những cơn đau là sự mộng mị mang anh trôi bồng bềnh qua lại giữa bến bờ hư - thực của cuộc đời: “Bên kia, người ơi, còn trông theo mưa rơi?/ Ngày sau mưa giăng ngang qua trời/ Còn ai... còn ai.../ Hay riêng mình tôi thôi?” (Mưa rơi mềm môi xa, tập “Tiếng lá thở dài”). “Nhật ký Trường Sa vạn lý nơi đầu sóng” là tập ghi chép của anh trong chuyến đi Trường Sa.

Trong suốt một tháng bồng bềnh, chao nghiêng với sóng nước của các đảo lớn, đảo nhỏ thuộc cụm đảo Trường Sa, vùng biên đảo xa xăm của đất nước, tác phẩm dày hơn 200 trang này đã được hoàn thành. Sức làm việc của anh thật là đáng nể. “Nhật ký Trường Sa Vạn lý nơi đầu sóng” có thể nói là tập sách phản ảnh khá đầy đủ và chân thật các khía cạnh đời sống của bộ đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Tiểu thuyết “Đại ngàn độ lượng” là thế giới của những bí mật đời sống giữa rừng xanh của các dân tộc vùng Nam Tây Nguyên như người Cơ Ho, Chu Ru, Mạ...

Đây là câu chuyện đường rừng hấp dẫn, lôi cuốn khi ngòi bút của Võ Khắc Dùng mô tả vẻ đẹp tràn đầy sinh lực của những chàng trai cô gái buôn làng đang độ xuân sắc, tràn trề nhựa sống của đắm đuối và yêu thương. Những bếp lửa nhà dài bập bùng trong sương khói mênh mang của đêm đại ngàn thắp lên khát vọng vươn về phía trước của những con người chân thật, sống hồn nhiên và hòa hợp với thiên nhiên núi rừng từ không biết bao nhiêu đời nay.

“Tiếng vọng vô thanh” là tập truyện ngắn mang tính thể nghiệm của Võ Khắc Dũng trên lãnh địa đặc quyền của những tay bút chuyên về truyện ngắn. 26 truyện ngắn của anh góp phần dựng nên bức tranh thân phận con người trong đời sống hiện đại, trong đó không ít câu chuyện lấy bối cảnh là núi rừng Tây Nguyên, như Lá ngải xanh, Kdok da trắng, Ngược về với ngọn nguồn... Phong cách báo chí của anh tạo sự giao thoa giữa văn và báo khi “giật” những cái tít hấp dẫn, gợi tò mò cho truyện như Gái giang hồ, Huyền “đại ca”, Thằng vé số gù...

Phóng sự “Khắc khoải tiếng còi tàu” tập hợp hơn 40 phóng sự của anh đã đăng tải nhiều kỳ trên Báo Lao Động. Có một thời những phóng sự này là niềm mong mỏi, chờ đợi của bạn đọc bốn phương. Phóng sự dẫn dắt người đọc bước vào sự phong phú và bộn bề cuộc sống, từ đó khám phá ra những điều thú vị mang tính nhân bản mà ước mơ về cuộc sống tốt đẹp mang lại cho con người.

Lật từng trang sách của anh, bạn văn, bạn đọc hiểu rằng Võ Khắc Dũng là một con người tài hoa, khắc khoải với văn chương, khắc khoải với cuộc đời. Anh có đến 6 lần leo lên bàn mổ, mấy ai biết rằng anh đã viết giữa những cơn đau và viết cả khi trên giường bệnh.

Mai Hữu Phước