Báo Công An Đà Nẵng

Vỡ mộng kinh doanh tiền tệ

Thứ năm, 12/07/2018 21:00

Vì ham lãi suất cao, một cán bộ ngân hàng (NH) đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 14 tỷ đồng của nhiều người để chuyển vào các tài khoản “lạ” nhằm hưởng lãi suất cao. Hậu quả nhãn tiền là vừa mất tiền vừa vướng vòng lao lý.

Nguyễn Nhật Cường.

Chuyển tiền vào tài khoản “lạ”

Sau khi tốt nghiệp một trường ĐH tại TPHCM, Nguyễn Nhật Cường (1990, trú TX Hương Thủy, TT-Huế) xin được việc làm tại thành phố này một thời gian. Thời điểm này Cường có quen một đối tượng tự giới thiệu là Phạm Anh Quân (1985, trú Q.10, TPHCM) làm nghề kinh doanh tài chính và chứng khoán tự do. Quân đưa cho Cường 4 số tài khoản được mở tại các NH đều có chi nhánh ở TPHCM mang tên Lý Văn Phùng, Quách Kim Thoa, Huỳnh Thị Kim Thúy và Đào Thị Mỹ Loan. Quân dặn Cường, nếu có tiền chuyển vào các tài khoản này thì sau 5 ngày sẽ được chuyển trả vào tài khoản của Cường tiền gốc và thêm 10% tiền lãi.

Một thời gian sau, Cường trở về Huế sinh sống. Cuối năm 2015, Cường ký hợp đồng thời vụ 1 năm làm việc cho NH thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam chi nhánh nam TT-Huế. Chức năng, nhiệm vụ của Cường được giao là làm công tác tín dụng, trực tiếp hoặc hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn cho khách hàng có nhu cầu, thu tiền lãi và tiền gốc của khách hàng theo hợp đồng tín dụng, xử lý các hợp đồng đáo hạn cho khách hàng, quản lý hồ sơ khách hàng. Trong khoảng tháng 7-2016, Cường vay mượn 50 triệu đồng của một người quen gửi vào tài khoản của Lý Văn Phùng mà Quân cung cấp. 5 ngày sau, tài khoản Cường được nhận 55 triệu đồng. Vì vậy, Cường tin lời Quân là thật nên muốn chuyển tiền nhiều hơn vào các tài khoản mà Quân cung cấp nhằm hưởng tiền lãi nhiều hơn.

Mặc dù bản thân không có tiền nhưng muốn đổi đời từ kinh doanh tiền tệ, Cường lợi dụng công việc được giao để vay mượn tiền rồi chuyển tiền vào các tài khoản trên. Từ đó, Cường nảy sinh ý đồ giả vờ vay mượn tiền để đáo hạn NH cho các khách hàng với thời gian ngắn 3-10 ngày sẽ trả lại. Với các thủ đoạn này, Cường gặp anh Trương Văn M. (trú TX Hương Thủy, TT-Huế) nói dối là cần mượn 1,3 tỷ đồng để làm hồ sơ đáo hạn cho khách hàng và đúng 1 tuần trả lại. Anh M. biết bố mẹ Cường đều là cán bộ Nhà nước nên đồng ý cho mượn. Tương tự, Cường gặp anh Võ Đại T. (trú TP Huế) nói cần vay 2,5 tỷ đồng để làm hồ sơ đáo hạn cho khách hàng và cam đoan 3 ngày sau sẽ giải ngân, trả đủ tiền gốc và lãi. Do không còn đủ tiền nên anh T. cho Cường mượn 2,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Cường còn gặp nhiều người khác và nói dối là cần vay tiền đáo hạn cho khách hàng và đều được đồng ý. Tuy nhiên, số tiền sau khi vay mượn được, Cường đã chuyển vào các tài khoản mà Quân cung cấp. Một số người cho vay mượn tiền kể, do biết rõ gia đình Cường, bố mẹ làm quan chức, có địa vị nên họ tin tưởng cho vay.

Lừa cả bố mẹ

Do không có tiền để trả nợ cho những người vay mượn trước đó và nộp vào các tài khoản mà Phạm Anh Quân cung cấp để kinh doanh nhằm kiếm tiền lãi, Cường nói dối bố mẹ mình là ông Nguyễn Trung, bà Nguyễn Thị Diếp rằng, NH quy định chỉ tiêu từ đầu năm, mỗi cán bộ tín dụng phải làm hồ sơ vay thế chấp, gần cuối năm chưa đủ chỉ tiêu nên có vay mượn của nhiều người với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng để làm hồ sơ đáo hạn cho khách hàng, nhưng các hồ sơ bị trục trặc chưa giải quyết được. Trong khi đó, người cho vay mượn yêu cầu phải trả tiền nếu không sẽ viết đơn gửi cho lãnh đạo NH. Ông Trung và bà Diếp tin tưởng, sợ ảnh hưởng đến công việc của con nên đã thế chấp nhà, đi vay mượn hơn 3,2 tỷ đồng đưa cho Cường. Tiếp đó, Cường nói dối bố mẹ là còn thiếu 1 hồ sơ đáo hạn cho khách hàng (700 triệu đồng) mới đủ chỉ tiêu do NH quy định năm 2016 nên ông Trung, bà Diếp tiếp tục đi vay giúp con.

Chưa dừng lại ở đó, Cường còn nói dối với bố mẹ rằng, đã đấu giá trúng 3 lô đất ở Khu quy hoạch Bàu Vá, TP Huế, đề nghị ông Trung, bà Diếp vay mượn giúp 300 triệu đồng để nộp lệ phí làm thủ tục giấy tờ lô đất thứ nhất. Sau khi được bố mẹ đưa cho 300 triệu đồng, Cường tiếp tục nói dối là đến hạn nộp tiền đất để làm thủ tục cấp sổ đỏ, yêu cầu vay mượn thêm cho Cường 1 tỷ đồng nộp tiền lô đất thứ nhất. Bố mẹ Cường tin tưởng, vay giúp…

Theo HĐXX, trong vòng chưa đầy nửa năm, Nguyễn Nhật Cường đã thực hiện liên tục 16 vụ, trực tiếp chiếm đoạt hơn 14 tỷ đồng. Tại phiên tòa, bố mẹ Cường cũng yêu cầu Cường phải bồi thường cho họ gần 6,1 tỷ đồng để trả cho những người mà họ đứng ra vay mượn giúp cho Cường. Toàn bộ số tiền sau khi lừa đảo chiếm đoạt được, Cường khai nhận, phần lớn đã được chuyển khoản trực tiếp từ NH hoặc chuyển khoản “banking” từ tài khoản của Cường vào tài khoản của Lý Văn Phụng, Quách Kim Thoa, Huỳnh Thị Kim Thúy và Đào Thị Mỹ Loan. Theo HĐXX, dù có đủ tài liệu xác định Cường đã chuyển số tiền lớn chiếm đoạt được vào các tài khoản mang tên các đối tượng nói trên, nhưng qua điều tra xác minh, hiện nay Phụng, Thúy, Thoa và Loan không có mặt tại địa phương. Đối với Phạm Anh Quân - người cung cấp các số tài khoản nói trên cho Cường, qua điều tra không có tên người này ở địa phương. Toàn bộ số tiền Cường chuyển vào tài khoản các đối tượng trên đã được rút hết và thẻ đã bị hủy và ngừng giao dịch, nên chưa đủ cơ sở làm rõ hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm của các đối tượng và không thu hồi được số tiền đã gửi vào. Vì vậy, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh xử lý sau.

Tại phiên xét xử sơ thẩm, Cường tỏ ra ăn năn, hối hận khi nhận ra rằng do ham lãi suất cao nên đã lún sâu vào con đường lừa lọc. TAND tỉnh TT-Huế vừa tuyên phạt Nguyễn Nhật Cường 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường hơn 8 tỷ đồng chưa khắc phục cho các bị hại.

H.LAN